Du lịch

Khởi sắc du lịch xứ Lạng

Nguyệt Hà 18/07/2025 16:05

Phát huy lợi thế cạnh tranh về du lịch, Lạng Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.

Lạng Sơn là vùng đất hội tụ giữa hồn thiêng sông núi và chiều sâu văn hóa. Với hơn 335 di tích lịch sử, 280 lễ hội truyền thống, cùng cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, Kinh giàu bản sắc, tỉnh không chỉ sở hữu kho tàng di sản quý báu mà còn có lợi thế đặc biệt để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch địa chất gắn với vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, di sản văn hóa đa dạng và chính sách phát triển linh hoạt, Lạng Sơn đang từng bước trở thành điểm sáng du lịch mới của miền Bắc, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh vùng biên năng động, hội nhập.

4eae5a823f7a8b24d26b.jpg
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn đang trở thành điểm đến thu hút, ấn tượng với du khách.

Bức tranh tăng trưởng khởi sắc

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn tăng cường, đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ du lịch khác đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước hình thành các tuyến, điểm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn.

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai các giải pháp kích cầu phát triển du lịch, với một số kết quả nổi bật, như: Tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu, tổ chức thành công các Lễ hội dịp đầu năm 2025 và tổ chức thành công Ngày hội Yoga quốc tế và giao lưu văn hoá Ấn Độ tại Lạng Sơn năm 2025; triển khai các chính sách giảm giá, ưu đãi vé vào cửa tại một số điểm du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú quảng bá sản phẩm trên nền tảng số, tham gia các sự kiện triển lãm, hội chợ du lịch diễn ra trong và ngoài tỉnh…

Đến nay, một số sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo dấu ấn riêng biệt cho du lịch Lạng Sơn. Môi trường du lịch được đảm bảo an ninh, an toàn, là yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.

Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 303 cơ sở lưu trú du lịch với 4.175 buồng trong đó có 420 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Toàn tỉnh hiện có 54 điểm du lịch cấp tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Lạng Sơn đón hơn 3,1 triệu lượt khách, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó khách quốc tế đạt 131.000 lượt (tăng 67,9%); tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 2.931 tỷ đồng, tăng 12,6%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Một số dự án triển khai chậm do phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu nên chưa điều chỉnh được chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và thực hiện các thủ tục về đầu tư….

“Sở kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong kết nối, giới thiệu với các tổ chức phi chính phủ, các dự án đầu tư của nước ngoài hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trọng tâm là phát triển các làng du lịch sinh thái cộng đồng; nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện hợp tác du lịch với Quảng Tây, Trung Quốc; Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn để xem xét tặng giải thưởng Làng du lịch cộng đồng ASEAN, góp phần tiếp tục quảng bá thương hiệu, hình ảnh, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của du lịch cộng đồng Lạng Sơn”, ông Mạc đề xuất.

Đặc sắc không gian triển lãm văn hoá Lạng Sơn - Ấn Độ
Đặc sắc không gian triển lãm văn hoá Lạng Sơn - Ấn Độ

Trong thời gian tới, để thu hút và giữ chân du khách, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục nghiên cứu tổ chức các chương trình kích cầu du lịch gắn với sự kiện văn hoá, lễ hội truyền thống. Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch trọng điểm (Khu du lịch Mẫu Sơn). Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là kỹ năng số, ngoại ngữ, văn hoá ứng xử du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, như: du lịch biên giới, du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm văn hoá dân tộc.

Tạo đòn bẩy cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số

Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11/5/2025 giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành và các địa phương trong tỉnh.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai chương trình kích cầu phát triển du lịch. Thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tới cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, 100% các đơn vị trường học, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ, các hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút khách du lịch. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Đại sứ du lịch Lạng Sơn; Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người xứ Lạng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tiếp tục triển khai gắn mã QR có Logo tỉnh Lạng Sơn đồng bộ trên toàn địa bàn tỉnh với 100% tuyến đường, phố, công trình công cộng, khu di tích danh thắng mang lại hiệu quả quảng bá tích cực, thuận tiện và thông minh cho du khách.

Thứ hai, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Tập trung xây dựng các loại hình du lịch sinh thái, tham quan khám phá hang động, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, cắm trại với các sản phẩm du lịch đặc sắc như leo núi Yên Thịnh, đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng, chèo thuyền Kayak tại hồ Nong Dùng, cắm trại tại Hữu Liên, đi bè trên thảo nguyên Đồng Lâm...; Hoàn thiện hồ sơ Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn tham gia giải thưởng Làng du lịch tốt nhất do Tổ chức Liên hợp quốc (UN Tourism) mở đăng ký nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong việc bảo vệ cảnh quan, đa dạng sinh học và văn hóa bản địa. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng một số điểm trên 04 tuyến du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.

Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu, điểm du lịch. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, giai đoạn 2025 – 2030; triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính; ban hành các văn bản định hướng, tạo điều kiện phát triển du lịch; đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát các địa điểm nhà đầu tư quan tâm.

Trong đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh triển khai tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và đoạn nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam; dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối Lạng Sơn và Cao Bằng; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng các công trình, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án có tính chất kết nối liên vùng như: Dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18 và các dự án giao thông tạo động lực cho phát triển du lịch.

Thứ tư, đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch. Triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; Duy trì công tác quản lý và đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực Khu Du lịch Quốc gia Mẫu Sơn; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Rừng Đặc dụng và Phòng hộ (Sở Nông nghiệp và Môi trường) trong công tác bảo tồn, phát huy các gía trị đa dạng sinh học, địa chất tại các Khu bảo tồn; xúc tiến hợp tác hình thành các Con đường mòn địa chất (Hành trình đến với Trái tim Hồ Lân Ty; Kỳ vĩ Sống Khủng long - Đỉnh Phja Pò; Thì thầm Hoa Đỗ Quyên - Đỉnh Phja Mè).

Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng và rà soát chất lượng của các các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Thứ sáu, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch.Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lạng Sơn từ nay đến năm 2030 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguyệt Hà