Kịch bản tăng trưởng mới: Quyết tâm cao, trách nhiệm rõ
Không còn là mục tiêu “8% trở lên” như trước đây, Chính phủ đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng hơn: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,3-8,5%.
Một mục tiêu không chỉ mang tính biểu tượng cho sự phục hồi và bứt phá, mà còn là bước tạo đà cần thiết để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2026-2030.

Quyết tâm chính trị
Chưa đầy nửa tháng, Chính phủ đã hai lần triệu tập hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, với nội dung xoay quanh một trọng tâm duy nhất: tăng trưởng. Hội nghị ngày 5/7 bàn về giải pháp 6 tháng cuối năm; hội nghị ngày 16/7 đi sâu vào kịch bản tăng trưởng cả năm 2025, với mục tiêu cụ thể hơn, cao hơn.
Không dừng lại ở “con số làm yên lòng dư luận”, việc nâng mức tăng trưởng mục tiêu từ “8% trở lên” lên “8,3-8,5%” cho thấy tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ.
Đáng chú ý, các kịch bản tăng trưởng được tính toán cụ thể dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế, cùng sự phân tích kỹ lưỡng về điều kiện, động lực và rủi ro. Trong đó, kịch bản tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là một “niềm tin cảm tính”, mà là kết quả của tính toán khoa học, với hàng loạt chỉ tiêu đầu vào rõ ràng như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu… đi kèm với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Một điểm mới rất đáng chú ý là việc “khoán tăng trưởng” đến từng địa phương, từng doanh nghiệp nhà nước. Cách làm này không mới về hình thức, nhưng ở lần điều hành này, tinh thần hành động có chiều sâu hơn, gắn trách nhiệm với quyền hạn, đồng thời tạo ra cơ chế khuyến khích, giám sát cụ thể hơn.
Các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh hay Thái Nguyên đều được giao mức tăng trưởng mới, cao hơn trước đây. Không còn là “khuyến khích”, mà là “mệnh lệnh hành động”. Đây là bước đi mạnh mẽ, phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng không thể tiếp tục trông chờ vào những “động lực truyền thống”, mà cần sự chuyển động đồng bộ từ trung ương tới địa phương.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào “bộ tứ trụ cột” - gồm đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư tư nhân. Đây chính là bốn “cánh kéo” chủ lực đang được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.
Đặc biệt, yếu tố đầu tư công tiếp tục là điểm tựa quan trọng. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là thước đo của năng lực điều hành và thực thi. Trong đó, những công trình hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến giao thông kết nối vùng... đang mang kỳ vọng sẽ “dẫn đường” cho các dòng vốn tư nhân và FDI đi theo.
Động lực từ thực tiễn
Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức tài chính quốc tế như CitiGroup, Maybank, UOB hay BIDV Research đều đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025. Điều này phản ánh một sự đánh giá tích cực về sức chống chịu và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu, một động lực truyền thống, tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột, nhất là khi tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và chính sách ưu đãi thuế quan từ các đối tác lớn như Mỹ, EU…
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,52% - cao nhất kể từ năm 2011. Đây là nền tảng quan trọng để bứt phá trong nửa cuối năm, nhất là khi các hoạt động tiêu dùng nội địa bước vào mùa cao điểm và đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Cũng cần ghi nhận rằng, thể chế - yếu tố từng được xem là “nút thắt cổ chai” - nay đang trở thành “đòn bẩy”. Việc chính thức triển khai chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7/2025 giúp rút ngắn quy trình, tăng tính chủ động và khai thông không gian phát triển mới cho các địa phương. Nhiều quy định mới mang tính “cởi trói” cũng đang mở đường cho các nguồn lực xã hội được huy động và sử dụng hiệu quả hơn.
Trong phát biểu tại Hội nghị ngày 16/7 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là mục tiêu bất khả thi, mà là mục tiêu không thể không làm”. Câu nói ngắn gọn nhưng súc tích này không chỉ phản ánh quyết tâm cao độ, mà còn là lời cam kết trước quốc dân đồng bào và cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành kinh tế.
Mục tiêu ấy, nếu đạt được, không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi một năm, mà sẽ là bước đệm để Việt Nam tăng tốc giai đoạn 2026-2030, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số và thực hiện các chiến lược 100 năm, từ năm 1930 đến 2030 và từ năm 1945 đến 2045.
Tuy nhiên, để biến kỳ vọng thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong điều hành; tinh thần dám nghĩ, dám làm của các cấp, các ngành; và trách nhiệm đồng hành của doanh nghiệp sẽ là những nhân tố quyết định.
Tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 không chỉ là mục tiêu kinh tế, mà còn là phép thử bản lĩnh điều hành, khả năng thích ứng và năng lực tổ chức thực hiện của cả hệ thống. Trong bối cảnh dư địa tăng trưởng còn nhiều, niềm tin thị trường đang phục hồi và các chính sách đã đi đúng hướng, nếu biến quyết tâm thành hành động thực chất, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này không phải bằng may mắn, mà bằng nỗ lực có kế hoạch, hành động có trọng tâm, điều hành có trách nhiệm.