Việt Nam trên hành trình Net Zero
Thị trường tín chỉ carbon có thể sẽ là chìa khóa để Việt Nam vừa giảm phát thải, vừa vươn lên thành quốc gia phát triển.
Mới đây, “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới” do Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Tạp chí The Leader tổ chức đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp và cả những câu chuyện truyền cảm hứng về giảm phát thải gắn với phát triển kinh tế và sinh kế.
Tiềm năng thị trường tín chỉ carbon
“Net Zero là cam kết vĩ đại nhất của nhân loại”, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), mở đầu diễn đàn bằng lời nhấn mạnh đầy sức nặng. Ông chỉ ra rằng Việt Nam đang đối mặt với tốc độ tăng phát thải khí nhà kính nhanh nhất thế giới – một thực trạng đáng báo động. “Lộ trình đến Net Zero không còn dài,” ông cảnh báo, “25 năm tới là cuộc chạy đua sống còn”.
.jpg)
Cam kết tại COP26 cho thấy quyết tâm của Việt Nam: đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng như TS Nghĩa nhận định, điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội. Thị trường carbon, với khả năng biến giảm phát thải thành giá trị kinh tế, đang trở thành tâm điểm. Từ năm 2027, ngành hàng không toàn cầu sẽ đánh thuế carbon trên vé máy bay. Hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được yêu cầu báo cáo phát thải. “Đây không chỉ là xu thế, mà là điều kiện để hội nhập”, ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Quang Linh, Công ty Giant Barb, mang đến cái nhìn lạc quan về các dự án carbon tại Việt Nam. Ông liệt kê bốn lĩnh vực đầy hứa hẹn: sản xuất biochar từ phế phẩm nông nghiệp, thu hồi biogas từ chăn nuôi heo, thu hồi khí bãi rác phát điện, và đốt rác phát điện. “Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào để giảm phát thải và tạo năng lượng sạch”, ông Linh khẳng định.
Chẳng hạn, biochar từ rơm rạ có thể giảm tới 91,2% khí metan trong đất ngập nước. Thu hồi biogas từ chăn nuôi heo đã tạo ra 928.000 tín chỉ carbon mỗi năm. Năm 2023, Việt Nam bán 10,3 triệu tín chỉ carbon, thu về 51,5 triệu USD. “Tiềm năng doanh thu hàng năm lên đến 300 triệu USD,” ông Linh nhấn mạnh. Điều 6 Thỏa thuận Paris, với cơ chế tài chính quốc tế, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa những con số này.
Những câu chuyện truyền cảm hứng
Cách Hà Nội hơn 500 km, xã Cao Quảng, Quảng Bình (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) là minh chứng sống động cho vai trò của rừng trong hành trình Net Zero. Ông Nguyễn Quang Huy, Đại diện các chủ rừng ở Cao Quảng, chia sẻ: “Rừng đã có chủ đích thực.” Với hơn 9.000 ha rừng tự nhiên, Cao Quảng đạt độ che phủ rừng 85,44%, góp phần hút carbon và bảo vệ môi trường.
.jpg)
Từ năm 2008, khi đất rừng được giao cho 525 hộ gia đình, người dân không chỉ bảo vệ mà còn hưởng lợi kinh tế. “Nguồn thu từ lâm nghiệp chiếm hơn 55% tổng thu nhập toàn xã”, ông Huy cho biết. Từ 2023, các chủ rừng nhận gần 3 tỷ đồng mỗi năm từ tín chỉ carbon, theo Thỏa thuận giảm phát thải 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là động lực để họ tuần tra, phòng cháy rừng, và làm giàu tài nguyên xanh.
Trong khi đó tại Cà Mau, KS Hồ Quang Cua, Anh hùng Lao động, kể câu chuyện về hệ sinh thái lúa – tôm. “Tôi đến với nông nghiệp tuần hoàn rất tự nhiên,” ông nói. Mô hình này không chỉ tăng thu nhập mà còn giảm phát thải khí nhà kính. Với giống lúa ST24 và ST25, nông dân giảm 30% phân hóa học, 75% thuốc hóa học, và áp dụng rút khô giữa mùa.
Kết quả là năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, giá bán 9.200 đồng/kg, mang lại lợi nhuận gấp đôi lúa thường. “Trên 100.000 ha, lợi nhuận tăng thêm 1.800 tỷ đồng mỗi năm”, ông Cua tính toán. Hệ sinh thái lúa – tôm không chỉ bền vững mà còn biến Cà Mau thành vùng giảm phát thải hàng đầu, nâng tầm thương hiệu “Gạo Ông Cua”.
Tuy nhiên, dù tiềm năng lớn, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản. chuyên gia Lê Quang Linh chỉ ra các vấn đề: khung pháp lý chưa rõ ràng, công nghệ phụ thuộc nước ngoài, chi phí đầu tư cao. Ông Nguyễn Quang Huy, Đại diện các chủ rừng ở Cao Quảng đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế để chủ rừng tham gia thị trường carbon. Trong khi đó, TS Nghĩa nhấn mạnh: “Cần sự chung tay từ cộng đồng, doanh nghiệp, và chính quyền”.
Diễn đàn khép lại với thông điệp: Net Zero không chỉ là mục tiêu, mà là hành động. Từ rừng Cao Quảng đến ruộng lúa Cà Mau, Việt Nam đang tiến từng bước. Nhưng như TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chậm lại vì vài cá nhân. Hành động hôm nay sẽ định hình tương lai”.