Bất cập ngưỡng doanh thu chịu thuế đối với hộ kinh doanh
Doanh thu 17 triệu, lãi chưa tới 5 triệu, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ sắp bị đánh thuế từ 2026. Tại sao chính sách thuế không nhìn vào thực lãi thay vì tổng doanh thu?
Doanh thu 17 triệu/tháng là phải nộp thuế
Bà Nguyễn Thị Hiền, 56 tuổi, bán bún riêu sáng tại một con ngõ nhỏ ở Phổ Yên (Thái Nguyên). Mỗi ngày bà bán khoảng 20 - 30 bát, giá 30.000 đồng một bát. Doanh thu hàng tháng vào khoảng gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ tiền chợ, ga, phụ bếp và mặt bằng tạm bợ, bà cho biết lãi ròng mỗi tháng chỉ còn khoảng 4 - 5 triệu.
“Làm đều lắm mới được vậy. Hễ mưa gió hay ốm đau là mất một ngày thu, xoay sở không kịp. Mà nghe nói từ năm sau, vượt 200 triệu đồng doanh thu mỗi năm là phải nộp thuế. Tôi không hiểu mình thành người giàu từ khi nào nữa”, bà Hiền chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Đức Duy, chủ một sạp bán đồ nam tại xã Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết doanh thu dao động 60 - 70 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng lợi nhuận thực tế sau chi phí thuê nhân viên, vận chuyển, phí chợ và hao hụt tồn kho chỉ còn khoảng 6 - 7 triệu đồng.
“Chúng tôi không né thuế. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào doanh thu, không tính đến chi phí, thì chẳng khác nào lấy luôn cả phần vốn sống của người ta để thu”, anh Duy nói.
Thực tế, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, từ 1/1/2026, hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm (khoảng 16,6 triệu đồng/tháng) sẽ phải nộp thuế, với tỷ lệ phổ biến là 4,5% trên doanh thu, cộng thêm lệ phí môn bài.
Như vậy, chỉ cần bán đều tay khoảng 20 bát bún mỗi ngày, hay tiêu thụ vài chục bộ quần áo, hàng nghìn hộ kinh doanh sẽ bị liệt vào nhóm “đủ ăn là đủ nộp”. Trong khi đó, lãi thực nhận, thứ quyết định khả năng sống còn lại không được xét đến.
Không nên siết bằng thước đo cứng nhắc
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho rằng, chính sách thuế hiện nay đang nhầm lẫn giữa doanh thu và khả năng nộp thuế. “Ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm tưởng là cao, nhưng với mặt bằng giá cả và chi phí hiện tại, nhiều hộ kinh doanh chỉ còn lời 4 - 5 triệu đồng/tháng, thậm chí thấp hơn chuẩn nghèo ở đô thị”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.

Ông Tuấn phân tích, đánh thuế theo doanh thu là cần thiết với hộ khoán, nhưng ngưỡng này phải dựa trên thực lãi. “Nếu không, chúng ta đang vô hình trung đánh vào cả phần vốn xoay xở và sinh hoạt tối thiểu của họ”, luật sư Tạ Anh Tuấn thẳng thắn nói.
Luật sư Tuấn đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế lên tối thiểu 400 triệu đồng/năm, tương ứng doanh thu khoảng 33 triệu/tháng. Đồng thời, cần có cơ chế điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc mức sống tối thiểu, để đảm bảo chính sách thuế không nhanh chóng lạc hậu.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cảnh báo: “Chính sách thuế phải có độ trễ hợp lý để người dân thích nghi, đặc biệt với nhóm yếu thế như hộ cá thể. Không thể mặc định họ biết kê khai, lập hóa đơn, hiểu luật như doanh nghiệp”.
Theo ông Luân, nếu tiếp cận thiếu linh hoạt, chính sách thuế không những không thu được gì mà còn gây ra phản ứng tiêu cực: hộ kinh doanh né thuế, chia nhỏ doanh thu, hoặc thậm chí đóng cửa.
“Phải đặt ra câu hỏi: chúng ta muốn hộ kinh doanh lớn lên trong sự hỗ trợ, hay triệt tiêu họ ngay từ khâu kê khai?”, ông Luân nói thêm.