Doanh nghiệp F&B tại EU lúng túng vì thuế quan
Ngoại trừ các tập đoàn lớn, hệ thống công ty truyền thống lâu đời trong ngành F&B tại EU khó tồn tại nếu mức thuế 30% từ ông Donald Trump có hiệu lực.

Liên minh châu Âu (EU) đã khiến Tổng thống Trump không hài lòng vì thặng dư thương mại hàng hóa trị giá 198 tỷ euro (231 tỷ USD) với Hoa Kỳ. Vì vậy, kể từ đầu năm nay, những tuyên bố về thuế quan khó lường từ Nhà Trắng đã gây xáo trộn cho các doanh nghiệp EU thuộc mọi quy mô, đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B).
Skellig Six18 là công ty của Ireland chuyên sản xuất rượu gin và rượu whisky cho thị trường Hoa Kỳ. Khi thuế quan nhắm vào hàng hóa EU đã “lên nòng”, doanh nghiệp này đã vận chuyển rượu vào Hoa Kỳ nhiều nhất có thể, nhưng giờ kho hàng đã đầy, các nhà nhập khẩu đã không còn nhu cầu.
Hoạt động thương mại thực phẩm và đồ uống của EU với Hoa Kỳ trị giá gần 30 tỷ euro. Bất kỳ sự leo thang nào về thuế quan nào, sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và nông dân châu Âu, đồng thời hạn chế sự lựa chọn và đẩy chi phí lên cao cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố ông đang lên kế hoạch áp thuế suất chung 30% lên EU kể từ ngày 1/8, sau khi các cuộc đàm phán phút chót không đạt được thỏa thuận khung. Hiện tại, sự bất định đang bao trùm, liệu có thể đạt được tiến triển trong hai tuần tới hay không.
Việc thỏa thuận thương mại giữa Anh và Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế cơ sở 10% với các miễn trừ trong một số lĩnh vực đã khiến nhiều người tin rằng đây có thể là hy vọng tốt nhất của châu Âu. Nhưng ông Trump hiện đang có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán với EU, mức thuế tối thiểu rơi vào 15-20%.
O'Connell, người điều hành Skellig Six18 cho rằng: “mức thuế 30% là không thể chấp nhận được, vì nó làm tiêu tan mọi hy vọng tại thị trường Hoa Kỳ. Ngay cả mức thuế nhập khẩu 10% của Hoa Kỳ được áp dụng vào tháng 4 cũng đã là một đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp”.
Franck Choisne, Giám đốc nhà máy rượu Combier tại Pháp, cho biết mức thuế 30%, cộng với tác động của tỷ giá hối đoái, sẽ đồng nghĩa với việc mức thuế chung 45-50% được tính vào giá tiêu dùng cuối cùng. Mức thuế này có thể làm giảm một nửa doanh số bán hàng của công ty ông tại Hoa Kỳ.
Alex Altmann, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Đức, cho biết một số nhà sản xuất EU đang cân nhắc việc chuyển dây chuyền lắp ráp sang Anh để tận dụng thỏa thuận thuế quan 10%. Để làm được như vậy, họ phải vượt qua “quy tắc xuất xứ” - quy tắc xác định nguồn gốc sản phẩm cho mục đích thuế.
Nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn mới đủ tiềm lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ, như Siemens và Bosch (Đức) đang cân nhắc việc chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ. Với những công ty quy mô nhỏ, lâu đời trong ngành F&B, việc dịch chuyển là không thể!
Bên cạnh đó, EU cũng gặp phải vấn đề tương tự với nhiều quốc gia khác - khi đàm phán với Hoa Kỳ. Không ít công ty, lĩnh vực sử dụng nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ châu Á, nhập khẩu vào nội khối với thuế quan thấp, sau đó sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.