Nghiên cứu - Trao đổi

“Cởi trói” thể chế để thị trường carbon vận hành đúng nghĩa

Yến Nhung 20/07/2025 04:30

Theo chuyên gia, mặc dù đã có hành lang pháp lý và lộ trình cụ thể, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa hình thành được một thị trường carbon đúng nghĩa.

Biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức toàn cầu lớn nhất, với những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt tới kinh tế và đời sống các quốc gia. Là quốc gia dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng và thiên tai cực đoan, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 năm 2021.

93-1715077153-rung-yen-bai.jpg
Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 năm 2021 - Ảnh: ITN

Những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon, thông qua các văn bản quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Nghị định 119/2025/NĐ-CP quy định vận hành thị trường carbon và hiện nay là dự thảo nghị định về sàn giao dịch carbon quốc gia. Theo lộ trình của Chính phủ, từ nay đến năm 2028 sẽ là giai đoạn thử nghiệm thị trường carbon trong nước, trước khi chính thức vận hành từ năm 2029 và hướng tới kết nối với các cơ chế quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Mặc dù lộ trình đã có, con đường vận hành thị trường carbon của Việt Nam còn nhiều trở ngại. Phân tích sâu hơn về những thách thức, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là vấn đề năng lực, bao gồm cả chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp nhận tài chính và trình độ tiếp cận công nghệ xanh.

Theo ông Thọ, Việt Nam hiện đang thiếu hụt năng lực ở hầu hết các cấp độ từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cho đến các tổ chức xã hội. Vì vậy, thị trường carbon nội địa đến nay vẫn chưa được hình thành đúng nghĩa, nghĩa là chưa có hệ thống vận hành bài bản, chưa có các chủ thể tham gia đầy đủ, và đặc biệt là chưa có “hàng hóa carbon” được công nhận để giao dịch.

Thực tế cho thấy, một số đơn vị trong nước đã bắt đầu triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon, nhưng để những tín chỉ này thực sự được thương mại hóa vẫn cần đến một cơ chế kết nối rõ ràng giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ, cũng như giữa thị trường trong nước với quốc tế. Để kết nối được với thị trường quốc tế, theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, các tín chỉ carbon buộc phải được Chính phủ cấp “thư ủy quyền”.

"Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với những người đang làm tín chỉ carbon ở Việt Nam. Vì muốn bán được tín chỉ ra quốc tế, Chính phủ phải đánh giá được tác động của các dự án này đến việc thực hiện cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Chỉ khi lượng tín chỉ carbon tạo ra là phần dư sau khi đã thực hiện cam kết NDC thì chúng ta mới được phép bán. Và hiện nay, chúng ta chưa làm được điều đó. Do đó, toàn bộ các dự án bán tín chỉ carbon đều đang bị tạm dừng" - PGS, TS Nguyễn Đình Thọ phân tích.

Trong khi Việt Nam còn loay hoay với việc hoàn thiện khung chính sách và thể chế, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines hay Singapore đã chủ động thiết lập và vận hành thị trường carbon từ sớm, từng bước tạo ra lợi thế cạnh tranh trong chuyển đổi xanh.

Việt Nam hiện đang thiếu hụt năng lực ở hầu hết các cấp độ từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cho đến các tổ chức xã hội - Ảnh: ITN
Việt Nam hiện đang thiếu hụt năng lực ở hầu hết các cấp độ từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cho đến các tổ chức xã hội - Ảnh: ITN

Theo ông Thọ, chính vì hạn chế về nhân lực, năng lực tiếp cận tài chính, công nghệ và cơ chế quản lý thị trường mà Việt Nam hiện chưa thể để thị trường carbon vận hành độc lập. Điều cần thiết lúc này là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống từ gốc, trước khi chính thức kích hoạt một thị trường carbon đúng nghĩa.

Từ thực tiễn triển khai, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) phản ánh rằng, Quyết định số 232 của Chính phủ, trong đó quy định việc bán tín chỉ carbon ra nước ngoài phải được trình Thủ tướng xem xét, đang tạo ra một rào cản lớn đối với các tổ chức, cộng đồng đang nỗ lực bảo vệ rừng và phát triển tín chỉ carbon tự nguyện.

Ông dẫn chứng cụ thể trường hợp của chính đơn vị mình. Hiện Viện Tư vấn Phát triển đang quản lý một khu sinh quyển rộng khoảng 300 ha rừng tự nhiên. Dự án này đã được đầu tư bài bản từ khâu đo đạc, xác minh đến định lượng tín chỉ carbon, tất cả đều bằng nguồn kinh phí tự có, với kỳ vọng có thể bán tín chỉ ra thị trường quốc tế để có nguồn lực duy trì lực lượng bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương.

“Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ tín chỉ được tạo ra vẫn chưa thể giao dịch do vướng thủ tục xin phép trình Thủ tướng, theo quy định hiện hành. Rào cản này đang tước đi cơ hội của hàng triệu người đang ngày đêm gìn giữ rừng", ông Nghĩa trăn trở.

Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển mong muốn có sự thay đổi trong tư duy chính sách, bởi rừng không chỉ là lá phổi xanh mà còn gắn liền với sinh kế và văn hóa của 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số.

"Đừng tin vào những con số rằng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Cứ đến tận nơi, nhìn vào bữa cơm của họ sẽ thấy họ vẫn sống như vậy. Tôi hy vọng trong kỷ nguyên mới này, tư duy sẽ thật sự thay đổi", TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm gỡ bỏ các nút thắt về thể chế và năng lực thực thi, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn từ thị trường carbon - một công cụ tài chính hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế cấp thư ủy quyền để các tín chỉ carbon trong nước có thể giao dịch quốc tế, đồng thời mở rộng hành lang pháp lý cho thị trường tự nguyện và sớm hình thành sàn giao dịch carbon quốc gia. Quan trọng hơn, tư duy về carbon, về rừng và về sinh kế cần được nhìn nhận một cách thực chất.

Yến Nhung