Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Với kiên định không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Nhiều địa phương đã chủ động thu hút đầu tư chất lượng cao, khẳng định cam kết vì một tương lai xanh.
Vì một môi trường xanh
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...
Theo Bộ Nông nghiệp & Môi trường (NN&MT): Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ thách thức. Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động. Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắng sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường còn đứng trước những thách thức lớn do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường, việc áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có,… sẽ thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong xu thế chủ đạo trong thập niên 2020- 2030
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh, tỉnh vẫn luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Điều đó thể hiện rõ qua những nỗ lực trong việc chủ động ứng phó với các nguy cơ ô nhiễm, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải; đồng thời xây dựng nhiều chương trình bảo vệ môi trường bài bản, dài hơi.
Là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics và đô thị hóa nhanh, Quảng Ninh đồng thời đối mặt với thách thức lớn về môi trường. Theo báo cáo của Sở NN&MT, toàn tỉnh hiện có trên 1.250 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn phát thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 388.000 tấn/năm; chất thải nguy hại phát sinh trên 5.600 tấn/năm; chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên 270 triệu tấn/năm.
Đặc biệt, ngành khai thác, chế biến than - trụ cột kinh tế truyền thống của tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh, với tổng công suất khai thác trên 42 triệu tấn than/năm. Hoạt động của các bãi thải, mỏ lộ thiên, băng tải than, vận chuyển than tiềm ẩn rủi ro cao về phát tán bụi, bùn thải, nước thải, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nguồn nước và hệ sinh thái vùng ven biển.

Từ những nguồn phát thải được đề cập, tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhất là kiểm soát nghiêm các nguồn phát thải lớn. Hiện tỉnh đầu tư lắp đặt 128 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục truyền dữ liệu về trung tâm giám sát của Sở NN&MT để kịp thời xử lý các sự cố môi trường bất thường. Riêng các cơ sở chế biến than, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, các khu công nghiệp… có hệ thống xử lý khí thải và quan trắc tự động đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Quảng Ninh đã hoàn thành việc di dời toàn bộ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long ra khỏi vùng lõi di sản, giảm nguy cơ ô nhiễm nước biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô; cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên; đã di dời toàn bộ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực đông dân cư và đang từng bước di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào các cụm công nghiệp.
Bên cạnh tập trung các giải pháp, tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Riêng năm 2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt đối với 534 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền nộp phạt ngân sách nhà nước trên 6,4 tỷ đồng, góp phần răn đe, phòng ngừa các trường hợp tái phạm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển sản xuất phải gắn với môi trường
Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT Quảng Ninh, khẳng định: Bước vào giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Ninh xác định nền kinh tế chính là dịch vụ, du lịch, công nghiệp hiện đại, từ đó tiếp tục rà soát, tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc tự động đến tất cả các nguồn phát thải. Trong đó, đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý rác thải, nước thải ứng dụng công nghệ hiện đại. Kiên quyết thu hồi giấy phép với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm kéo dài. Tiếp tục phủ xanh đất trống, tăng diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; đẩy mạnh chương trình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng tái tạo.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, Quảng Ninh xác định rõ, mọi dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh phải gắn với tiêu chuẩn môi trường khắt khe ngay từ khâu thẩm định. Từ đó, đơn vị phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh xây dựng những tiêu chí, điều kiện cần và đủ đối với một nhà đầu tư khi triển khai đầu tư các dự án vào tỉnh. Quan điểm của tỉnh tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
.jpg)
Được biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh Quảng Ninh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu". Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch đi sâu vào quản lý từng thành phần môi trường, kiểm soát từng loại chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như: Không khí, nước thải, chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa….
Điển hình như việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đã được các địa phương tích cực thực hiện. Tỉnh và các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng đã quan tâm đã đầu tư, triển khai xây dựng gần 200 trạm quan trắc môi trường tự động nhằm nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các dữ liệu về môi trường được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và cùng giám sát chất lượng môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành KCN Đông Mai cho biết: “Các doanh nghiệp thứ cấp đều có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đưa về trạm xử lý chung. Trong đó, doanh nghiệp đã hoàn thành Trạm xử lý nước thải tập trung modul số 2 với công suất 2.600 m3/ngày”.
Với cách làm bài bản, quyết liệt, kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đang tạo dựng hình ảnh là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường; trở thành hình mẫu địa phương phát triển nhanh nhưng vẫn giữ vững môi trường sống trong lành cho nhân dân.