Tầm nhìn dài hạn cho du lịch Đà Nẵng
Ngành du lịch Đà Nẵng đang đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới, trong đó chú trọng vào các thế mạnh như du lịch xanh, MICE, chăm sóc sức khỏe,...
Sau khi thực hiện công tác sáp nhập, đại diện Hiệp hội du lịch của 2 địa phương (cũ) đều đánh giá hiện tại đang là khởi đầu mới cho sự liên kết mạnh mẽ và bền vững giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Theo các ý kiến, việc cần làm cấp thiết hiện nay là phát triển một hệ sinh thái du lịch thống nhất, đồng bộ để duy trì lượng khách và mở ra nhiều thị trường tiềm năng mới.
Để ngành du lịch Đà Nẵng có thể tăng tốc và cạnh tranh ở quy mô quốc tế, các doanh nghiệp cho rằng cần phải xây dựng một hệ sinh thái du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng nên tập trung vào hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, cơ sở lưu trú đồng đều chất lượng và nâng cấp dịch vụ, gia tăng trải nghiệm, triển khai mô hình tổ chức tour tuyến mới,...

Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch lâm thời Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thời gian tới cả địa phương và doanh nghiệp cần ưu tiên kêu gọi đầu tư, đầu tư vào các mô hình du lịch mới như du lịch chữa lành, du lịch sáng tạo, du lịch MICE,... Song song với đó, các sản phẩm du lịch cũng phải gắn kết với bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa bản địa.
“Càng ngày du khách càng đòi hỏi nhiều hơn, không chỉ ở cảnh đẹp hay tiện nghi, mà ở trải nghiệm mang tính cá nhân, sự thân thiện và cảm giác gắn bó với nơi mình đến”, ông Dũng nhìn nhận.
Tương tự, ông Phan Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Du lịch lâm thời thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) cũng cho rằng các mô hình quản trị tài nguyên rác tiên phong tại Hội An sẽ truyền cảm hứng lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại thành phố Đà Nẵng mới nói riêng và Việt Nam nói chung cùng hành động vì mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Theo ông Thanh, thời gian qua, du lịch Hội An đã tiếp cận, lan tỏa rất tốt xu hướng du lịch giảm rác thải.
“Phía doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cũng rất ủng hộ, hưởng ứng xu thế này trong thời gian tới để góp phần chung vào việc phát triển du lịch Đà Nẵng mới xanh, bền vững”, ông Thanh nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An (phường Hội An Tây) kỳ vọng ngành du lịch sau hợp nhất Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ duy trì Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Theo ông Việt, đây là một bộ tiêu chí rất hay, góp phần cụ thể hóa quyết tâm phát triển du lịch xanh, khuyến khích các chủ thể làm du lịch bền vững nên cần thiết được duy trì, lan tỏa với cơ chế hỗ trợ mạnh hơn ở không gian Đà Nẵng mới.
“Bên cạnh đó, cũng cần xem xét tính thống nhất với một số bộ tiêu chí du lịch xanh khác trên toàn quốc để phát huy hiệu quả cao nhất khi áp dụng”, ông Việt đề xuất.

Góp ý kiến cho ngành du lịch địa phương phát triển trong thời gian tới, bà Linh Chi - Trưởng Chi hội Homestay Villa ở Hội An kiến nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển không gian trải nghiệm mang tính đặc thù. Theo bà Chi, nếu mở rộng liên kết với thành phố Huế, Đà Nẵng hoàn toàn có thể hình thành “tam giác du lịch di sản - nghỉ dưỡng - văn hóa” tạo sức hút du khách quốc tế.
“Từ đó cũng sẽ mang lại những giá trị khác biệt cho điểm đến miền Trung”, bà Chi chia sẻ.
Được biết, mảng du lịch bền vững và du lịch xanh của Quảng Nam thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực. Do đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đồng thuận về việc kế thừa và phát triển lĩnh vực này thành một trụ cột trong ngành du lịch thành phố.
Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, đơn vị đã có đề xuất thành phố cho phép đơn vị tiếp tục hợp tác với chương trình phát triển du lịch bền vững Thụy Sỹ để thực hiện các hoạt động của dự án du lịch xanh. Thời gian tới, sở này sẽ chủ trì, phối hợp các địa phương tham gia các hoạt động khảo sát, đánh giá việc áp dụng, thực hành du lịch xanh theo các bộ tiêu chí đã được UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) ban hành.
Qua đó, tiếp tục phối hợp với dự án của Thụy Sỹ nâng cấp bộ tiêu chí để Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu cấp chứng nhận đáp ứng yêu cầu về du lịch bền vững chuẩn quốc tế để áp dụng tại một số khu, điểm du lịch. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố tham gia.