Thị trường

Bất động sản bán lẻ giữ nhịp tăng trưởng

Thanh Trà 20/07/2025 05:08

Bất động sản bán lẻ vẫn giữ sức hút nhờ nhu cầu ổn định nhưng cần chuẩn bị tốt về quy hoạch và mặt bằng để đón làn sóng mở rộng trong tương lai.

F&B và thời trang dẫn dắt nhu cầu thuê

Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý II/2025 do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy phân khúc bất động sản bán lẻ tại TP HCM và Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa vững và sự mở rộng không ngừng của tầng lớp trung lưu.

anh-chup-man-hinh-2021-05-28-luc-14-15-30 (1)
Phân khúc bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và duy trì đà phục hồi tích cực trong ngắn hạn. (Ảnh minh họa)

Tại TP HCM, thị trường bán lẻ hiện đại vẫn còn tương đối nhỏ về quy mô, với tổng diện tích cho thuê thuần (NLA) đạt khoảng 1,6 triệu m². Trong nửa đầu năm 2025, nguồn cung mới tăng thêm rất ít, chỉ khoảng 5.000 m² NLA từ các dự án hiện hữu. Dù vậy, hiệu suất hoạt động vẫn duy trì tích cực với tỷ lệ lấp đầy lên tới 93% và giá thuê tầng trệt trung bình giữ ổn định ở mức khoảng 1,5 triệu đồng/m²/tháng. Các giao dịch thuê mới chủ yếu đến từ nhóm ngành giải trí, phong cách sống và đồ gia dụng.

Thị trường cũng ghi nhận sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế mới như Oh!Some, HOKA, Lee, trong khi các chuỗi như Muji, Zara và H&M tiếp tục mở rộng diện tích thuê tại các trung tâm thương mại vận hành hiệu quả. Các mặt bằng hạng sang tại khu vực trung tâm tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống rất thấp, cho thấy đây vẫn là phân khúc có sức hút lớn. Tuy nhiên, theo Savills, trong ba năm tới, nguồn cung mới tại TP HCM dự kiến chỉ đạt khoảng 100.000 m² NLA, một con số khá khiêm tốn nếu so với đà phục hồi hiện tại của thị trường.

Tại Hà Nội, thị trường bán lẻ cũng thể hiện sự ổn định tương tự. Tỷ lệ lấp đầy đạt 86% trong nửa đầu năm, giá thuê trung bình tầng trệt tăng lên 1,3 triệu đồng/m²/tháng. Hoạt động cho thuê sôi động nhờ các thương hiệu thuộc ngành hàng ẩm thực (F&B) và cửa hàng tiện lợi với sự hiện diện ngày càng rõ của các tên tuổi như Oh!Some, 7-Eleven, Starbucks, Muji và Dzinh. Các mặt bằng bán lẻ cao cấp tại trung tâm vẫn duy trì tỷ lệ trống thấp, trong khi nguồn cung mới trong ba năm tới dự kiến chỉ khoảng 10.600 m² NLA, thấp hơn đáng kể so với nhu cầu thị trường.

Theo Savills, sức mua ổn định cùng việc các thương hiệu quốc tế tiếp tục đầu tư mở rộng đang là hai yếu tố then chốt giúp thị trường bán lẻ giữ được sự ổn định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, những rủi ro liên quan đến thiếu hụt nguồn cung mới có thể gây sức ép lên giá thuê, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh nếu thị trường không được bổ sung thêm các mặt bằng hiện đại và phù hợp xu hướng.

Từ nhu cầu mặt bằng đến chiến lược phát triển dài hạn

Dữ liệu từ báo cáo Savills tiếp tục khẳng định niềm tin mạnh mẽ của các nhà bán lẻ, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế đối với thị trường Việt Nam. Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong chiến lược mở rộng của nhiều chuỗi bán lẻ toàn cầu.

Trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại hiện hữu đạt mức cao, nhu cầu tìm kiếm mặt bằng mới đặc biệt là tại TP HCM và Hà Nội ngày càng rõ rệt. Dù nguồn cung mới trong ngắn hạn còn hạn chế, đây chính là cơ hội để các chủ đầu tư chủ động tái cấu trúc không gian, nâng cấp trải nghiệm mua sắm và đón đầu nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng đô thị.

Đáng chú ý, sự khác biệt rõ nét giữa khu vực nội đô và vùng ven đang thúc đẩy các doanh nghiệp định hình lại chiến lược phát triển mặt bằng bán lẻ. Thay vì mở rộng đơn thuần, các nhà phát triển hiện ưu tiên mô hình trung tâm thương mại có thiết kế tối ưu, vị trí kết nối tốt và tích hợp các dịch vụ giải trí, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe... nhằm tạo ra các điểm đến trọn gói cho người tiêu dùng.

z2590862240494ea68f2bc023b340596abcc9652db90e2-1625322286532320130597 (1)
Việt Nam giữ sức hút lớn với các chuỗi bán lẻ toàn cầu nhờ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu gia tăng và đô thị hóa mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, sự cải thiện trong quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng và xu hướng sống mới tại các khu vực ngoài trung tâm cũng mở ra dư địa đáng kể để hình thành các trung tâm thương mại thế hệ mới. Khi có sự đồng hành kịp thời từ cơ quan quản lý, đặc biệt trong cải cách thủ tục đầu tư và quy hoạch quỹ đất, thị trường sẽ có thêm nhiều dự án chất lượng được triển khai đúng thời điểm.

Tổng thể, bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng bền vững nếu biết khai thác đúng những chuyển động tích cực của nền kinh tế, xu hướng tiêu dùng và chiến lược phát triển đô thị. Trong đó, việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung phù hợp, đồng bộ về hạ tầng và tư duy vận hành hiện đại sẽ là yếu tố quyết định để nắm bắt làn sóng đầu tư đang tiếp tục dồn về khu vực này.

Thanh Trà