Trọng dụng nhân tài bằng cơ chế đặc biệt
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt với nhân tài, chuyên gia hàng đầu, các tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các sáng kiến đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 20/7.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 76/106 nhiệm vụ của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với việc đã trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật và 3 nghị quyết; Chính phủ ban hành 21 nghị định thúc đẩy phát triển triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; ban hành danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược với 11 nhóm công nghệ chiến lược; cổng sáng kiến giải pháp khoa học, công nghệ được ra mắt và có 254 sản phẩm, giải pháp được đề xuất trên Cổng; Sàn giao dịch khoa học, công nghệ đã được ra mắt; hoàn thành khung chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2025.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, hiện nay hạ tầng viễn thông băng rộng di động đã phủ tới 99,3% thôn, bản có kết nối băng rộng di động; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động xếp hạng 20 thế giới; hạ tầng viễn thông băng rộng cố định xếp hạng 26 thế giới; hạ tầng trung tâm dữ liệu có tổng công suất thiết kế 221MW; số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu đạt 14 doanh nghiệp.
Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số được đẩy mạnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tháng 6-2025 là 39,51%. Trong quản trị điều hành trên môi trường số có 73/84 bộ, ngành, địa phương báo cáo chỉ số chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu; 40 cơ quan đã ban hành bộ chỉ số chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu; 67 cơ quan đã xây dựng hệ thống báo cáo và kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.
Trong 6 tháng năm 2025, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024; giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 381.046 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2024; tổng số doanh nghiệp công nghệ số đạt 75.908 doanh nghiệp; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 33%, tăng 11 điểm % so với tháng 12-2024.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số đề án tạo cơ sở phát triển nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như về đào tạo nguồn nhân lực; phát triển trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0. Đặc biệt, đã bố trí khoảng 25.000 tỷ đồng bảo đảm kinh phí cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh đã khái quát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cách tổ chức thực hiện về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là tương đối đồng bộ, đạt được những kết quả nhất định bước đầu nhưng rất quan trọng.
Theo đó, giúp thay đổi nhận thức, tư duy, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, đạt kết quả cân đong đo đếm được, đặc biệt là phục vụ đắc lực, hiệu quả cho cuộc cách mạng về tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy cả Trung ương và địa phương, hiện bộ máy đã vận hành tương đối thông suốt, trơn tru, được nhân dân và bạn bè quốc tế ủng hộ.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, góp phần vào kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để quyết tâm khắc phục; có những hạn chế đã kéo dài từ lâu, chậm được xử lý, có những tồn tại mới phát sinh nhưng chưa được chủ động giải quyết kịp thời.
Theo đó, đến nay còn 75 nhiệm vụ chậm tiến độ được giao thuộc trách nhiệm của 9 bộ, ngành. Thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về nguồn lực, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động đăng ký nhu cầu kinh phí chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Nguồn nhân lực còn hạn chế.
Hành chính còn rườm rà thì người dân, doanh nghiệp còn vất vả; việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm, mới đạt 18%. Tỉ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp (mục tiêu đề ra năm 2025 là 80% nhưng mới đạt 39,51%, các tỉnh mới đạt 15,21%). Công tác hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền còn chưa hiệu quả, xuất hiện tình trạng "cò làm giấy tờ". An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Thủ tướng cho rằng, có nơi, có lúc còn thiếu sự quan tâm đúng mức và quyết tâm chính trị chưa cao của người đứng đầu, phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa rõ, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả, phối hợp liên ngành còn yếu, việc chia sẻ, kết nối và đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống, nền tảng còn hạn chế; một số nhiệm vụ mới, khó, tính phức tạp cao…
Theo Thủ tướng, bài học kinh nghiệm lớn nhất là phát huy vai trò người đứng đầu, sự chủ động, tích cực vào cuộc với đam mê, trách nhiệm cao, tư duy đổi mới, nhận thức đúng đắn, hành động quyết hiệu quả.
Thủ tướng chỉ rõ, những kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu, thực tiễn đặt ra thì vẫn còn có khoảng cách, đòi hỏi các bộ ngành, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc khối Chính phủ phải tăng tốc, bứt phá, phải thần tốc, táo bạo hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhằm 2 mục tiêu quan trọng: (1) phục vụ đắc lực, hiệu quả cho bộ máy của hệ thống chính trị vận hành thông suốt, đồng bộ, trơn tru, hiệu quả với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; (2) phục vụ đắc lực, hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025 để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ, tạo nền tảng đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh", Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương 2 cấp phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ ngành, cơ quan, địa phương mình, bảo đảm "đúng đủ sạch sống".
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thiết lập công cụ quản lý trực quan, hệ thống chỉ số (KPI) định lượng để đánh giá các nhiệm vụ được giao liên quan phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.