Đón sóng nâng hạng, dòng tiền khối ngoại đổ vào nhóm cổ phiếu ngành nào?
Thống kê cho thấy, tuần qua nhà đầu tư nước ngoài có tuần giao dịch sôi động với tâm điểm mua các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...

Tài chính, ngân hàng, bất động sản hút tiền khối ngoại
Thống kê trên sàn HOSE, tuần qua khối ngoại mua vào 678 triệu đơn vị, giá trị đạt 20.118 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,4 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 201 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VPB với khối lượng 31,4 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 654 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu SSI được mua ròng 18,7 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 582 tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 3.230 tỷ đồng cổ phiếu SSI.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu CEO với giá trị đạt 116 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 5,8 triệu đơn vị.
Cổ phiếu chứng khoán SHS dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng, đạt 6,5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 104 tỷ đồng.
Tổng kết từ đầu tháng 7 đến nay cổ phiếu nhóm tài chính, chứng khoán, cổ phiếu nhóm bất động sản là tâm điểm của dòng tiền khối ngoại… Ngoài ra nhóm cổ phiếu VIC, VRE, VHM, cũng hút mạnh dòng tiền khối ngoại.
Thực tế cho thấy sau khi bán ròng hơn 37.000 tỷ đồng trên sàn TP HCM trong 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đang trở lại. Họ vừa có chuỗi mua ròng 12 phiên liên tiếp, giải ngân hơn 15.000 tỷ đồng.
Lý giải dòng vốn ngoại đổ vào nhóm cổ phiếu ngành này, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam, điển hình nhóm cổ phiếu nhóm trụ được dự báo tháng 9/2025 thị trường được nâng hạng. Thống kê từ Bloomberg cho thấy hầu hết thị trường đều chứng kiến dòng vốn ngoại tăng mạnh khi chính thức được nâng hạng. Dòng vốn này thường cao gấp 5-7 lần so với bình quân giai đoạn trước khi được nâng hạng.
Các chuyên gia cũng cho rằng đa phần thị trường quốc tế có dấu hiệu bật tăng trước thời điểm nâng hạng chính thức 1-2 năm. Điển hình như Qatar tăng 45%, Saudi Arabia 23%, còn Romania 18%.
VPBankS ước tính dòng vốn chảy vào thị trường Việt Nam khoảng 3-7 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực. Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trong thời gian ngắn sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho thị trường.
Còn theo Chứng khoán Vietcap, việc vào danh sách thị trường mới nổi có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút 6-8 tỷ USD vốn ngoại. Công ty Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF nhờ việc nâng hạng, chưa tính đến quỹ chủ động. Riêng quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF được dự báo giải ngân hơn 363 triệu USD.
Cơ hội được nâng hạng của TTCK
Nhóm chuyên gia SSI dự báo, cổ phiếu VIC và VHM sẽ đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, lần lượt là 161 triệu USD và 119 triệu USD. Ngoài ra là các mã bluechip khác như MSN, VNM, HPG, VCB, SSI... Riêng cổ phiếu SSI dự báo sẽ thu hút vốn ngoại 50-90 triệu USD. Dòng vốn từ các quỹ đầu tư thường ưu tiên giải ngân trước vào các cổ phiếu có sẵn trong rổ FTSE Vietnam Index.
Cho đến nay, Việt Nam đã đáp ứng 7 trên 9 tiêu chí để nâng hạng từ thị trường chứng khoán cận biên lên mới nổi theo tổ chức xếp hạng FTSE Russell. Theo SSI, thị trường đang tiến rất gần đến việc hoàn tất 2 tiêu chí còn lại, là chu kỳ thanh toán và chi phí liên quan đến giao dịch thất bại.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và đáp ứng các tiêu chí đánh giá của tổ chức xếp hạng. Bộ đã ban hành thông tư về hoạt động giao dịch không ký quỹ. Gần nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trì trung tâm (CCP) từ năm 2027. Cơ quan này cũng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kỹ thuật, tiếp xúc với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ về thực trạng, trình độ phát triển của thị trường hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng có khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là thị trường mới nổi ngay cuối năm nay, 10% là vào tháng 3/2026 nếu tổ chức xếp hạng cần theo dõi thêm chênh lệch về thời gian thanh toán, phân phối chứng khoán và đánh giá quá trình xử lý với các giao dịch thất bại.
Nếu thị trường Việt Nam chính thức được nâng hạng vào tháng 9/2025 là giai đoạn phù hợp để nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng". Do vậy, ngành chứng khoáncó thể vừa tăng nguồn thu từ phí giao dịch, dịch vụ và lãi vay ký quỹ, vừa có cơ hội cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tự doanh.
Mua cổ phiếu ngành nào đón sóng nâng hạng?
Hiện VN-Index đang giao dịch ở mức 14 lần P/E, cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây (13.5x) , tuy nhiên vẫn thấp hơn 17% so với mức đỉnh 3 năm (16,9 lần vào quý IV/2021. Điều này cho thấy định giá của thị trường nói chung và nhóm vốn hóa lớn nói riêng vẫn hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận cũng như kỳ vọng nâng hạng của thị trường.
Trong nửa sau 2025, theo MBS, dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 13.5 – 13.8 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.500 – 1.540 điểm trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới với Việt Nam theo hướng tích cực hơn so với các nước trong khu vực, kết hợp triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng, dòng tiền nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự dịch chuyển này nhiều khả năng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là những mã vẫn còn dư room cho nhà đầu tư ngoại.
Theo MBS, chiến lược lựa chọn cổ phiếu vượt trội trong nhóm vốn hóa lớn được xem là phương án khả thi nhất cho nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân trong nửa cuối năm
Với các chủ điểm đầu tư nổi bật cho 6 tháng cuối năm, MBS xác định xu hướng đầu tư có tiềm năng tạo lợi nhuận:
Với mảng bất động sản dân cư khởi sắc, với hàng loạt chính sách tháo gỡ pháp lý cho dự án và lãi suất thấp, nhu cầu mua nhà được kích thích trở lại. Nhóm cổ phiếu DXG,DIG, CEO và NLG là những nhóm cổ phiếu tiêu biểu…
Dòng vốn đầu tư công dự kiến giải ngân hơn 500.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm. Những doanh nghiệp như VCG, HHV, HPG, HSG sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng này.
Về chính sách tiền tệ nới lỏng, ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính được kỳ vọng tăng trưởng khi chi phí vốn giảm và nhu cầu tín dụng hồi phục. Những mã đáng chú ý gồm VCB, VPB, MBB,…
Do đó, danh mục tiêu điểm đón sóng nâng hạng do MBS lựa chọn cho giai đoạn 2025–2026 bao gồm 22 mã cổ phiếu đại diện cho đa dạng các lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ, năng lượng đến bất động sản và tiêu dùng. Ngoài ra, các cổ phiếu như VCB, VPB, GMD, VCG, HHV, HPG, DXG, HDG, NLG, CEO… đều được đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh và có tiềm năng tăng giá mạnh trong giai đoạn 2025–2026.