Chuyển đổi thuế khoán: Cần một lộ trình bài bản, khả thi
Chuyển từ khoán sang kê khai trong 3 bước là hợp lý, nhưng theo các chuyên gia, chính sách chỉ thành công nếu minh bạch và đơn giản hoá…
Theo đề xuất mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc thay thế thuế khoán bằng cơ chế kê khai đối với hộ kinh doanh sẽ được triển khai qua ba giai đoạn trong vòng 5 năm.
Giai đoạn đầu tiên là xây dựng hành lang pháp lý và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như phần mềm kế toán đơn giản, thiết bị đầu cuối, hóa đơn điện tử. Giai đoạn hai bắt đầu áp dụng kê khai dần với các nhóm hộ đạt ngưỡng doanh thu nhất định, kèm theo ưu đãi thuế. Đến giai đoạn ba, toàn bộ hộ khoán sẽ chuyển sang cơ chế kê khai như doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân), vấn đề không nằm ở thời gian chia mốc mà ở tính khả thi trong thực tế. “Dữ liệu tự kê khai của hộ kinh doanh nhỏ chỉ cần ba thông số: doanh thu, lợi nhuận và thuế. Chủ yếu là lợi nhuận bao nhiêu để nộp thuế, còn việc làm kế toán hay không là quyền của họ”, ông nói.
PGS, TS Lạng phân tích thêm: nếu tiếp tục tính thuế dựa trên doanh thu mà không xác định lợi nhuận, thì chính sách sẽ thiếu công bằng. Bởi trong thực tế, có rất nhiều hộ doanh thu cao nhưng lợi nhuận cực kỳ thấp, do chi phí mặt bằng, nguyên vật liệu, nhân công tăng mạnh.
Tình trạng “doanh thu cao, lãi mỏng” là phổ biến ở lĩnh vực ăn uống, bán lẻ, dịch vụ. Trong khi đó, cơ quan thuế hiện lại khoán theo bình quân ngành, không phản ánh đúng biên độ lợi nhuận giữa các nhóm hộ. Nếu không điều chỉnh, nguy cơ “ép thuế” sẽ khiến nhiều hộ kinh doanh dần thu hẹp hoạt động hoặc chuyển sang mô hình núp bóng hộ cá thể.
Ông cũng lưu ý, nếu phần mềm kế toán được thiết kế quá phức tạp, giống như doanh nghiệp, hoặc quy trình ghi chép rườm rà thì sẽ tạo rào cản lớn cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ – vốn không có đủ kỹ năng hoặc nguồn lực thuê ngoài. Do vậy, công cụ hỗ trợ phải đơn giản hóa đến mức tối đa, thân thiện với người dùng, tích hợp cùng hóa đơn điện tử và khai thuế định kỳ. Chỉ khi thấy kê khai dễ hơn, minh bạch lợi hơn, người dân mới tự nguyện chuyển đổi.

Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng việc xác lập lộ trình chuyển đổi là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cách thực hiện phải nhân văn, mềm dẻo, tránh tạo áp lực cho người dân.
“Không thể đơn thuần quy định mốc thời gian rồi yêu cầu hộ kinh doanh phải tuân thủ. Nếu thiếu các giải pháp đi kèm như hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng, hoặc hướng dẫn cụ thể, chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy”, bà nhận định.
Luật sư Nhung nhấn mạnh, một chính sách tốt về mặt ý tưởng nhưng thiếu cơ chế thực thi linh hoạt sẽ trở thành gánh nặng, thay vì động lực. Khi người dân quen với cơ chế khoán hàng chục năm, việc thay đổi cần được tiếp cận từ góc độ tâm lý – không chỉ kỹ thuật. Nhà nước phải xây dựng cơ chế phản hồi hai chiều: vừa tuyên truyền, vừa lắng nghe. Cán bộ thuế tại địa phương cũng cần được đào tạo lại để trở thành “người đồng hành” chứ không đơn thuần là “người giám sát”.
Bà cũng cảnh báo, nếu chuyển đổi mà không có bước đệm phù hợp, sẽ dẫn đến tình trạng “người làm nghiêm túc thì lo, kẻ gian lận thì lách”. Do đó, ngoài việc đơn giản hóa quy trình kê khai, cần có bộ công cụ đánh giá rủi ro, phân loại hộ kinh doanh để áp dụng giám sát phù hợp, tránh tình trạng “trăm hoa cùng nở”, gây quá tải cho bộ máy quản lý.
Bên cạnh đó, luật sư Nhung cũng cho rằng, thu ngân sách không nên là mục tiêu duy nhất. Mục tiêu cao hơn là đưa hộ kinh doanh vào khu vực chính thức để họ phát triển bền vững. Nếu áp dụng rập khuôn theo mô hình doanh nghiệp, hoặc xử phạt ngay khi người dân chưa kịp thích ứng, thì vô hình trung đang đẩy họ vào tình trạng “vừa sợ, vừa lúng túng”, không khuyến khích sự minh bạch.
“Chuyển đổi là đúng hướng, nhưng chính sách cần đồng hành, không phải cưỡng ép. Một lộ trình bài bản phải luôn đi kèm khả năng thích ứng thực tế, nếu không sẽ phản tác dụng”, luật sư Nhung thẳng thắn nói.