Hưng Yên bứt phá với “bộ tứ trụ cột”: Đưa địa phương vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Hưng Yên đang triển khai đồng loạt bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị: 57, 59, 66 và 68 với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo, từng bước đưa chủ trương thành hành động cụ thể và hiệu quả.
Bằng những chính sách cụ thể, quyết liệt và sáng tạo, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.

Bứt phá bằng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số
Sau khi Nghị quyết 57‑NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị được ban hành, Hưng Yên nhanh chóng cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động bài bản. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức triển khai chuyên đề và Hội nghị quán triệt. Ngày 13/2/2025, kế hoạch số 386‑KH/TU được ban hành, xác định mục tiêu đến 2050 xây dựng Hưng Yên thành thành phố trực thuộc Trung ương—thông minh, giàu đẹp và văn minh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia đến 2030 và 2045
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và các nền tảng số hóa dữ liệu dân cư, y tế, giáo dục được triển khai đồng loạt. Doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất thông minh, tiếp cận công nghệ AI, IoT, blockchain.
Tỉnh ủy Hưng Yên xác định: Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là xương sống cho tăng trưởng bền vững. Nhiều mô hình thí điểm về chuyển đổi số trong quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, trở thành hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi.
Tỉnh đã đa dạng hóa phương thức tuyên truyền - từ sóng phát thanh truyền hình, báo chí đến mạng xã hội và pano, khẩu hiệu tại khu công nghiệp, đô thị trung tâm. Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh cũng ban hành kế hoạch phổ biến chuyên sâu nghị quyết, gắn việc tuyên truyền với tổ chức tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chi bộ, xây dựng ấn phẩm truyền thông phù hợp với từng địa bàn.
Nghị quyết 59 – Chủ động hội nhập quốc tế
Hội nhập sâu rộng – nâng tầm vị thế địa phương. Thực hiện Nghị quyết 59, Hưng Yên không chỉ mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn và doanh nghiệp FDI, mà còn tăng cường hội nhập toàn diện về văn hóa, giáo dục và công nghệ.

Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư quốc tế, ký kết hợp tác với các tổ chức từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... mới đây nhất ngày 16/7, Hưng Yên tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp "Kết nối Thái Lan tại Hưng Yên năm 2025, khẳng định cam kết mạnh mẽ của tỉnh Hưng Yên trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Thái Lan. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế được chú trọng, mở rộng cánh cửa hội nhập cho thế hệ trẻ Hưng Yên.
Nghị quyết 66 – Xây dựng pháp luật đồng bộ, minh bạch
Tại hội nghị quán triệt trực tuyến Nghị quyết 68 và 66, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là “bốn nghị quyết giúp đất nước “cất cánh”, yêu cầu địa phương phải đẩy mạnh cải cách pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, tạo cơ chế minh bạch và hiệu quả đến năm 2030.
Nghị quyết 66-NQ/TW được ban hành ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết số 66 được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, đặc biệt là những quy định pháp luật gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Qua đó, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết 66, xác định các mục tiêu cụ thể như khắc phục những điểm nghẽn do quy định pháp luật gây ra, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, và đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào hàng tiên tiến. Nghị quyết cũng đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và dễ tiếp cận.
Đây chính là "Bộ tứ trụ cột" để giúp Việt Nam cất cánh, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và được thực thi nghiêm minh là yếu tố sống còn để có thể yên tâm đầu tư, sản xuất và đóng góp vào sự phát triển chung.
Cải cách pháp luật toàn diện – nền tảng cho quản trị hiện đại. Hưng Yên hướng tới là tỉnh tiên phong trong thực hiện “bộ tứ trụ cột” Nghị quyết. Với Nghị quyết 66, Hưng Yên sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật. Chính quyền tỉnh đã số hóa quy trình hành chính, công khai minh bạch thông tin pháp lý, quy hoạch, đầu tư công, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đổi mới theo hướng “gần dân, dễ hiểu, dễ tiếp cận”, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó tuân thủ và đồng hành với chính quyền trong tiến trình phát triển.

Nghị quyết 68 – Phát triển mạnh kinh tế tư nhân
Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân – khơi thông động lực tăng trưởng. Nghị quyết 68 đã trở thành kim chỉ nam giúp Hưng Yên khơi dậy nội lực kinh tế tư nhân. Hàng loạt chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, chuyển giao công nghệ được ban hành, mang lại môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi.
Đặc biệt, việc xây dựng tổ chức đảng, công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân giúp tăng cường tính gắn kết giữa phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tính đến giữa năm 2025, Hưng Yên đã có gần 80 tổ chức cơ sở đảng trong khu vực kinh tế tư nhân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững cho hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn.
Hưng Yên đang chứng minh rằng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là định hướng vĩ mô, mà thực sự đi vào cuộc sống - khi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại đây được “cởi trói”, tiếp thêm động lực để phát triển bứt phá.
Với tinh thần “doanh nghiệp là động lực, doanh nhân là chiến sĩ thời bình”, tỉnh Hưng Yên đang từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 68 bằng nhiều chính sách đột phá, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Hàng loạt rào cản về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, vốn, thông tin quy hoạch… đã được tháo gỡ. Tỉnh cam kết “không để doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cải cách”, từ đó tạo nên niềm tin mới trong giới doanh nhân – một niềm tin đặt trên nền tảng hành động cụ thể, chứ không phải khẩu hiệu.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc công ty TNHH Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên mong muốn từ Nghị quyết 68 sẽ giải phóng sức mạnh doanh nghiệp tư nhân, giúp kinh tế tư nhân trở thành trụ cột mới trong chiến lược phát triển.
Ông Hoan mong muốn, tỉnh Hưng Yên sẽ thiết lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, từ cấp tỉnh đến cấp xã, trực tiếp lắng nghe, ghi nhận và xử lý các phản ánh từ doanh nghiệp. Những mô hình như “Cà phê Doanh nhân”, “Diễn đàn đối thoại chính quyền – doanh nghiệp” được tổ chức định kỳ, không hình thức, không rào cản.
Cùng với đó, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hỗ trợ miễn phí nền tảng số hóa kế toán, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử cho hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Phối hợp các ngân hàng thương mại để mở rộng gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp địa phương.
Nghị quyết 68 đã tạo ra một cú hích mang tính thể chế, nhưng chính tinh thần cầu thị, quyết tâm hành động của tỉnh Hưng Yên mới là điều khiến cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.
Không còn tâm lý “tự bơi” trong môi trường thiếu định hướng, chính quyền đồng hành - doanh nghiệp tự tin bứt phá, doanh nhân Hưng Yên hôm nay sẽ tự tin mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, chinh phục thị trường quốc tế – khi Nghị quyết 68 được thực sự cởi trói, như “nắng hạn gặp mưa rào”, điều mà vài năm trước còn là mơ ước đối với kinh tế tư nhân.
Nghị quyết 68 và sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh sẽ giúp doanh nghiệp không còn đơn độc. Sự kết nối giữa chính quyền – doanh nghiệp – người lao động sẽ hình thành một hệ sinh thái kinh tế năng động, trong đó kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột, mà còn là nguồn cảm hứng cho công cuộc phát triển. Tạo bệ phóng cho khát vọng thịnh vượng của kinh tế tư nhân.
Hưng Yên đang “giải phóng” đúng chỗ, đúng thời điểm – và điều này có thể sẽ viết lại câu chuyện tăng trưởng của cả vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm tới. Ông Hoan chia sẻ
Với việc triển khai quyết liệt “bộ tứ trụ cột” bằng hành động thực chất, tin tưởng rằng, tỉnh Hưng sẽ khẳng định vị thế là địa phương kiểu mẫu, dám nghĩ, dám làm trong hành trình xây dựng đất nước hùng cường.
Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn lên, Hưng Yên đã, đang và sẽ là biểu tượng của một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.