Nghiên cứu - Trao đổi

Khi logistics thành “nạn nhân bất đắc dĩ”

Nguyễn Giang thực hiện 21/07/2025 15:00

Trong bối cảnh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, nhiều doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đang bị đẩy vào thế khó với những lô hàng mà họ không thể kiểm soát...

tran chi dung 2
Ông Trần Chí Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về nguy cơ doanh nghiệp logistics bị lợi dụng trong các hoạt động vận chuyển hàng giả xuất khẩu?

Đây là nguy cơ có thật và đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào mạng lưới logistics toàn cầu. Doanh nghiệp logistics chỉ đóng vai trò trung chuyển, không can thiệp vào khâu sản xuất, đóng gói hay xác thực chất lượng hàng hóa.

Với hình thức thuê ngoài phổ biến hiện nay, hàng nghìn container mỗi ngày luân chuyển qua các cảng biển lớn mà không đơn vị vận chuyển nào có thể kiểm tra thực tế bên trong, trừ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp hợp pháp, khai báo đúng mẫu mã, tuyến đường nhưng lại cài hàng giả vào container. Khi đó, doanh nghiệp logistics vô tình trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ”. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn hiện diện tại nhiều quốc gia có ngành logistics phát triển.

- Doanh nghiệp logistics hiện có được phép hoặc có điều kiện gì để kiểm tra container trước khi vận chuyển, thưa ông?

Theo quy định, khi container đã được niêm phong bởi chủ hàng và thông quan hợp pháp, doanh nghiệp logistics không được phép mở ra kiểm tra. Việc kiểm tra thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan. Chỉ trong những tình huống đặc biệt. Ví dụ có yêu cầu kiểm hóa từ cơ quan chức năng thì container mới được mở với sự chứng kiến hợp pháp.

Vì vậy, kỳ vọng doanh nghiệp logistics phát hiện được hàng giả là điều không khả thi nếu không có sự chia sẻ thông tin hoặc hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

hai quan2
Một hành lang pháp lý hiện đại, phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp logistics tránh rủi ro pháp lý, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào quá trình phòng chống gian lận thương mại. (Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: V.S)

- Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ rủi ro, các doanh nghiệp logistics có cơ chế nào để chủ động cảnh báo hoặc phối hợp xử lý?

Một số doanh nghiệp lớn hiện có hệ thống kiểm soát rủi ro nội bộ, giúp phát hiện các bất thường như: vận đơn không khớp, khách hàng dùng giấy tờ đáng ngờ, hoặc có hành vi bất minh khi giao nhận. Trong những trường hợp này, doanh nghiệp có thể từ chối vận chuyển, yêu cầu xác minh lại hoặc thông báo cho Hải quan, Công an kinh tế.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nỗ lực đơn lẻ. Hiện chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng hay hệ thống cảnh báo sớm liên ngành. Việc phối hợp vẫn phụ thuộc phần lớn vào quan hệ cá nhân, thiện chí và kinh nghiệm xử lý tình huống của từng đơn vị.

- Doanh nghiệp logistics có thể bị quy trách nhiệm nếu không kiểm soát được hàng hóa vi phạm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Nếu không có sự phân định rõ ràng giữa “vai trò chuyên chở” và “trách nhiệm pháp lý về nội dung hàng hóa”, doanh nghiệp logistics sẽ luôn ở thế bị động, thậm chí bị xử lý theo cảm tính. Họ không phải là chủ hàng, không xác nhận nội dung hàng hóa, cũng không được phép mở container. Nhưng khi xảy ra vụ việc, họ vẫn có thể bị liên đới nếu cơ quan chức năng cho rằng có dấu hiệu thông đồng hoặc làm ngơ.

Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp đã được cảnh báo hoặc có căn cứ rõ ràng mà vẫn tiếp tay thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu không có quyền và công cụ, thì cần phải được pháp luật bảo vệ. Điều quan trọng là luật pháp hiện nay chưa làm rõ ranh giới này.

- Ông có kiến nghị gì để hỗ trợ doanh nghiệp logistics chủ động phòng ngừa rủi ro tốt hơn?

Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm dùng chung toàn ngành. Trong đó bao gồm: Cho phép doanh nghiệp logistics truy cập dữ liệu về khách hàng, công ty từng bị cảnh báo vi phạm; Thiết lập hệ thống xác minh mã số thuế, mã vận đơn, tên hàng hóa, liên kết với cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan; Phối hợp xây dựng bản đồ số hóa container theo thời gian thực, gắn với dữ liệu chủ sở hữu, tuyến đường và lịch sử vận chuyển.

Khi có thông tin rõ ràng từ đầu, doanh nghiệp logistics mới có thể chủ động từ chối vận chuyển hoặc cảnh báo kịp thời.

- Theo ông, có cần một hành lang pháp lý rõ ràng hơn về quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp logistics trong chuỗi kiểm soát hàng hóa?

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nếu buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thì cũng cần trao quyền. Ví dụ quyền kiểm tra container trong điều kiện pháp lý cho phép, hoặc quyền yêu cầu xác minh lại tờ khai. Một hành lang pháp lý hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp logistics tránh rủi ro pháp lý không đáng có, đồng thời khuyến khích họ tham gia tích cực hơn vào quá trình phòng chống gian lận thương mại.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi còn thiếu nhân lực và công cụ để có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh biến cải cách thành gánh nặng. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, minh bạch hóa quản lý chuỗi cung ứng trên nền tảng số, để đáp ứng yêu cầu tuân thủ trong thương mại quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Giang thực hiện