Ứng dụng AI và công nghệ 4.0: mở ra cơ hội bứt phá hệ sinh thái khởi nghiệp
Phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước.

Toàn bộ nội dung thảo luận được đặt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu “đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Thảo luận nằm khuôn khổ của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025.
Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, công nghệ tự động hóa và nền tảng số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động, tái cấu trúc quy trình và tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, giáo dục, y tế và quản trị công, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, đang từng bước vươn mình ra toàn cầu.
Phiên thảo luận không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, mà còn là nơi kết nối giữa ý tưởng sáng tạo, chính sách hỗ trợ và nguồn lực đầu tư nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển một Việt Nam đổi mới, sáng tạo và tự cường trong tương lai gần.
Tại phiên thảo luận, cơ chế “3 nhà” - Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đây được xem là trụ cột quan trọng trong thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thay vì hoạt động rời rạc, mô hình này tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chính sách, thị trường, giúp các kết quả khoa học không nằm trên giấy mà được ứng dụng vào thực tiễn.
Hiện nay, Nhà nước rất ủng hộ cơ chế này qua các chính sách và Nghị quyết. Doanh nghiệp có thẻ thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, hay hợp tác trực tiếp với các trường đại học và viện nghiên cứu. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cả về quy mô lẫn chiều sâu công nghệ.
Trong thời đại kỷ nguyên số, chúng ta cần phải nghiên cứu cách để làm chủ công nghệ, phải có những ý tưởng mang thương hiệu Made in Việt Nam bởi việc lệ thuộc vào công nghệ có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả 1 quốc gia. Đây cũng chính là một bài toán đặc thù của Việt Nam, khi thế giới chưa quan tâm đến, chúng ta phải đi trước.
Qua phiên thảo luận có thể thấy AI không còn là câu chuyện của tương lai, mà đang là công cụ thiết yếu để nâng cao năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để không lệ thuộc công nghệ ngoại nhập, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong chiến lược "Make in Vietnam" từ chính sách đến con người và hạ tầng. Chỉ khi làm chủ được công nghệ, chúng ta mới thực sự tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Đây là hướng đi tất yếu nếu Việt Nam muốn tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, chứ không còn phụ thuộc vào số lượng lao động hay mở rộng đầu tư đơn thuần.
Với sự đồng hành của Nhà nước và sự chủ động của đội ngũ trí thức trẻ, các giải pháp công nghệ hoàn toàn có thể sớm được hiện thực hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước