Ông Trump áp thuế 30% với EU, ai sẽ hưởng lợi?
Viễn cảnh đàm phán thương mại Mỹ - EU đang trở nên kém khả quan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế 30% lên hàng hóa của EU từ ngày 1/8/2025.

Một trong những minh chứng của hiện tượng thuế quan làm biến dạng chuỗi cung ứng đã xuất hiện rất rõ rệt tại Liên minh châu Âu (EU) trong mối quan hệ với Vương quốc Anh - nền kinh tế đã rời bỏ EU vào năm 2016.
Cách đây gần 10 năm, sự kiện Anh bỏ phiếu rời khỏi EU đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sang các quốc gia lân cận, mang theo cả vốn đầu tư và nhân sự.
Trong khi Vương quốc Anh đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, giữ mức thuế 10% thì EU đang có nguy cơ đối diện với mức thuế dự kiến gấp 3 lần từ Tổng thống Trump kể từ ngày 1/8.
Alex Altmann, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Đức, cho rằng: “nếu mức thuế quan của Mỹ đối với EU là 30%, thì mức thuế quan thấp hơn nhiều của Mỹ đối Anh sẽ tạo ra động lực lớn cho các công ty EU chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Anh hoặc mở rộng các cơ sở hiện có tại Anh”.
Trong giai đoạn hậu Brexit, Vương quốc Anh đã củng cố đáng kể năng lực sản xuất dự phòng. Khoảng cách lớn giữa thuế quan của Anh và EU sẽ là cơ hội lớn để “xứ sở sương mù” giành lại một phần vị thế đã mất với vai trò là trung tâm sản xuất chủ chốt của châu Âu trong quá khứ.
Doanh nghiệp từng rời bỏ Anh vì lo ngại sự khác biệt về thủ tục, luật pháp xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh. Ngay cả các tập đoàn dịch vụ tài chính khổng lồ như Goldman Sachs và JPMorgan, đã tìm cách tránh những phức tạp về quy định xuyên quốc gia trong bối cảnh hậu Brexit bằng cách chuyển hoạt động và tài sản sang các trung tâm tài chính, như Dublin, Paris, Amsterdam và Frankfurt.
Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn có cái nhìn thận trọng, vì chưa rõ liệu mức thuế 30% mà ông Trump dự kiến áp dụng cho EU có thực sự có hiệu lực vào ngày 1/8 hay không. Bản tính thất thường của Tổng thống Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc mức thuế cuối cùng có thể thay đổi, hoặc có thể tiếp tục lùi lại đến mốc thời gian khác.
Carsten Nickel, Giám đốc điều hành tại Teneo nhận định: “mức thuế 30% đối với EU chưa phải là điều chắc chắn, đồng thời bất kỳ sự dịch chuyển tiềm năng nào về đầu tư kinh doanh từ châu Âu trở lại Vương quốc Anh sau khi áp thuế sẽ khó có thể diễn ra nhanh chóng”.
Ngoài ra, Nickel lưu ý rằng thế mạnh của Anh vẫn nằm ở dịch vụ tài chính thay vì sản xuất, vốn vẫn phổ biến hơn ở các quốc gia định hướng xuất khẩu như Đức và Italy. Việc chuyển những sản phẩm hiện đang được sản xuất ở Đức và Thụy Sĩ sang Anh ngay lập tức không phải là quyết định mà một nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu có thể đưa ra dễ dàng như vậy.
Thực tế tại châu Á đã chứng minh rằng, dịch chuyển sản xuất không hề đơn giản với các tập đoàn đa quốc gia, hầu hết phải đối diện với bài toán chi phí tiền bạc và thời gian. Có thể mất nhiều năm, thậm chí là cả thập kỷ.