Kinh tế thế giới

Trung Quốc vượt xa Mỹ trong cuộc đua năng lượng xanh

Cẩm Anh 22/07/2025 03:33

Chính sách của Tổng thống Trump đang ngăn chặn nỗ lực phát triển năng lượng sạch của Mỹ, trong khi Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Ảnh màn hình 2025-07-21 lúc 20.31.42
Tấm pin mặt trời và tua bin gió tại một dự án phát điện năng lượng mới ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, một điểm khác biệt nổi bật giữa hai cường quốc là cách tiếp cận đối với các vấn đề năng lượng và khí hậu.

Ngay khi chính quyền Trump làm suy yếu các nỗ lực phát triển năng lượng xanh bằng các sắc lệnh hành pháp và đạo luật “Big Beautiful Bill”, Trung Quốc đang trên đà củng cố vị thế là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ bổ sung 500 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia trong năm nay.

Cuộc tranh luận về năng lượng diễn ra trong bối cảnh thế giới đang nóng lên nhanh chóng và cần nhiều năng lượng sạch hơn bao giờ hết.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ đổi mới khác cần một lượng điện năng khổng lồ để vận hành, do chúng phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng tính toán hiệu suất cao. Các quốc gia trên toàn thế giới đang tìm cách tăng sản lượng điện khi đầu tư vào các trung tâm dữ liệu mới, vốn phải vận hành liên tục 24/7, với Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu xu hướng này.

Khi cạnh tranh công nghệ trở thành động lực chính cho căng thẳng Mỹ - Trung, Bắc Kinh đã đi trước với các mục tiêu năng lượng tái tạo và tăng cường đầu tư liên quan trong tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ.

Ngược lại, chính quyền Trump đang hủy bỏ các khoản ưu đãi thuế dành cho các nguồn năng lượng xanh mà họ gọi là không đáng tin cậy như điện gió và điện mặt trời, với lý do làm suy yếu lưới điện của Mỹ.

Ảnh màn hình 2025-07-21 lúc 20.32.42
Các khoản ưu đãi về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời từ thời chính quyền Biden đang dần bị loại bỏ. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi loại bỏ các trang trại điện gió, cũng như đang dần xoá bỏ các ưu đãi thuế dành cho năng lượng tái tạo. Đây là một bước ngoặt chính sách rõ rệt của Nhà Trắng, xét đến việc trước đây điện mặt trời từng nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Theo các nhà nghiên cứu Trương Thục Vĩ (Zhang Shuwei) và Hoàng Nam Nha (Huang Nanya) tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Draworld ở Bắc Kinh, việc bác bỏ năng lượng tái tạo chỉ vì cho rằng “nguồn cung không ổn định” là một quan điểm thiển cận. Vấn đề thường nằm ở chính lưới điện chưa được thiết kế phù hợp.

“Hao hụt thống kê trong năng lượng tái tạo không phải là vấn đề – nó cần được quản lý, chứ không phải giải quyết triệt để,” hai nhà nghiên cứu viết trong một bài đăng tuần trước trên tài khoản mạng xã hội của trang khoa học Trung Quốc Tri thức Phân tử.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thảo luận không nên xoay quanh việc liệu năng lượng tái tạo có thể chiếm 100% hệ thống điện quốc gia hay không, mà nên tập trung vào cách xử lý rủi ro, dù là dự đoán trước được hay không, khi xây dựng một hệ thống cân bằng.

Họ giải thích rằng Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận ở cấp độ vĩ mô, dựa trên một hệ thống điện cân bằng có thể xử lý các thiếu hụt nhất thời từ các thành phần vi mô như năng lượng tái tạo, vốn chỉ là một phần trong tổng thể.

“Trung Quốc đặt trọng tâm lớn hơn vào khả năng chịu đựng trong các tình huống khắc nghiệt,” các chuyên gia này giải thích, đồng thời nói thêm dù điều đó có thể làm tăng chi phí trong điều kiện bình thường, nhưng đó là một quyết định mang tính kinh tế và chính trị ở cấp chính phủ.

Ngược lại, chiến lược phát triển năng lượng sạch theo hướng tập trung vào từng thành phần riêng lẻ của Mỹ đang gặp thách thức trong việc tích hợp với lưới điện và cân bằng tính biến động.

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ AI, Washington có kế hoạch đầu tư vào than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, cùng với khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân và thủy điện. Chỉ riêng thứ Ba tuần trước, các công ty tư nhân đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD cho các dự án năng lượng và công nghệ tại bang Pennsylvania, nhưng không có khoản nào dành cho năng lượng tái tạo. Tác động dài hạn của các chính sách mới này vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hạ tầng năng lượng và hệ thống truyền tải điện mới để tích hợp các dự án năng lượng sạch vào lưới điện hiện có, như đã được nêu trong kế hoạch năng lượng tái tạo mới của nước này.

Mặc dù Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào than và dầu thô, nhưng năng lượng tái tạo đã đóng góp 35% tổng sản lượng điện của nước này trong năm 2024, theo dữ liệu chính thức.

Báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) năm 2025 của Tập đoàn Alibaba cho biết các trung tâm dữ liệu tự xây dựng của công ty đã được cung cấp điện sạch tới 64%. Con số này bao gồm tất cả các nguồn năng lượng tái tạo cũng như một số dạng năng lượng không tái tạo nhưng không phát thải ô nhiễm, chẳng hạn như điện hạt nhân.

Tuy vậy, theo một bài viết của Caixin Global hồi tháng 5, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Các chuyên gia cho biết cơ sở hạ tầng chậm phát triển ở các khu vực phía Tây Trung Quốc, nơi có nguồn lực gió và mặt trời dồi dào cùng với một số chính sách không phù hợp đã làm chậm lại nỗ lực của khu vực tư nhân.

Dù vậy, năng lượng sạch vẫn chiếm khoảng 10% GDP của Trung Quốc trong năm 2024, với điện mặt trời là một trong những đóng góp hàng đầu, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA).

Cẩm Anh