Tạo điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA
Trong thời gian tới, cần có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn nguyên liệu nội khối nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA.
Ngày 21/7, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại công – tư với chủ đề “Tiềm năng thị trường khối EFTA trong bối cảnh đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EFTA”. Hội thảo nhằm thông tin chuyên sâu về tiềm năng, thách thức của thị trường EFTA (bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), đồng thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Thông tin từ ban tổ chức, trong những năm gần đây Việt Nam đã tham gia và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao. Trong đó có các đối tác lớn như CPTPP, EU, UK và sắp tới là EFTA ...
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng việc hình thành và vận hành hiệu quả hệ sinh thái FTA có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và bền vững của đất nước nói chung, cũng như của thành phố Đà Nẵng. Vị này thông tin, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA (khối các quốc gia Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) đang trong giai đoạn đàm phán và và kỳ vọng sớm được ký kết.
“EFTA được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký trước đó, như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA. Đây là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và vận dụng những kinh nghiệm sẵn có trong việc tuân thủ cam kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất”, bà Trâm nói.

Cũng theo vị này, thời gian qua Đà Nẵng được xem là một thành phố phát triển năng động, hiệu quả và ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lũy kế đến ngày 30/6/2025, thành phố Đà Nẵng (mới) có 1.263 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,955 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều của thành phố Đà Nẵng (mới) 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt đạt 4,29 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Thành phố Đà Nẵng hiện có quan hệ xuất khẩu với hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng vai trò là lực đẩy chính của chuỗi cung ứng và hội nhập. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia xuất khẩu còn hạn chế so với tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, hơn nữa còn khá ít các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc nắm bắt các thông tin cam kết, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt tại các thị trường yêu cầu cao như EFTA, vẫn là trở ngại lớn”, bà Trâm cho hay.
Thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Sơn Trà - Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương) cho biết kết quả chung từ thực thi các FTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số vĩ mô khác.
“Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tạo thêm việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội. Người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng, giá thành hợp lý. Góp phần nâng cao vị thế của đất nước, tăng cường hài hòa lợi ích với đối tác thương mại lớn, truyền thống, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, bà Trà chia sẻ.

Với các FTA, vị này cũng cho rằng còn một số hạn chế như công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa cam kết còn chưa chủ động, có lúc còn chậm, việc phổ biến thông tin, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa tập trung nội dung doanh nghiệp quan tâm. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn dàn trải, chưa phát huy hiệu quả,...
Vì vậy, bà Trà đề xuất các thẩm thẩm quyền xây dựng, triển khai các nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến; Nhóm giải pháp về thể chế; Nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp,... Trong đó, chú trọng vào các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn nguyên liệu nội khối nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA; Tăng cường kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam; Tăng cường triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước,...