Chứng khoán

Thị trường chứng khoán có còn dư địa tăng thêm?

An Định 22/07/2025 04:21

Mặc dù VN-Index mở phiên đầu tuần tiếp tục trượt khỏi mốc 1.500 điểm, nhưng vẫn trong uptrend và là cơ hội để nhà đầu tư tranh thủ chốt lời hay tích lũy.

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 21/7, thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện làn sóng chốt lời ồ ạt từ các nhà đầu tư, khiến toàn thị trường ngập trong sắc đỏ. Kết phiên 21/7, chỉ số VN-Index giảm 12,23 điểm, xuống 1.485,05 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,98 điểm, xuống 245,79 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,59 điểm, xuống 104,11 điểm.

Sang tháng 5, khi bước vào “vùng trũng” thông tin khiến thị trường chứng khoán chưa rõ xu hướng
Sau chuỗi thăng hoa, VN-Index vẫn chưa chốt được mốc 1.500 khi gặp áp lực bán mạnh. Ảnh minh họa

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn tương đối "nóng", ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng dòng tiền vẫn tập trung nhiều vào cổ phiếu trong VN30, đặc biệt những cổ phiếu được hưởng lợi từ nâng hạng. Danh mục ePortfolio về nâng hạng của VPBankS trong tháng vừa qua tăng 18%, rất nóng. Thông thường, một năm danh mục chỉ tăng khoảng hơn 10% nhưng danh mục gồm MSN, VIC … đã lên 18% rồi, ông Đức cho hay. Đó là lý do tại sao thị trường bắt đầu nhìn thấy nhịp chốt lời mạnh ở vùng 1.500 điểm.

Để nhận diện nhà đầu tư có đang hưng phấn thái quá hay không, ông Đức dẫn quan điểm của ông Peter Lynch (huyền thoại đầu tư được mệnh danh là "tắc kè hoa phố Wall"), thông thường tỷ lệ P/E (giá trên thu nhập) của thị trường chạy trong khoảng từ 10 – 20 lần, ông Đức phân tích: Hai đợt đỉnh gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E đều ở mức trên 20 lần. Năm 2018, P/E vào khoảng 21 lần, đến 2021 – 2022, P/E khoảng 19 lần. Hiện nay, P/E thị trường mới chỉ khoảng hơn 16 lần, tức vẫn còn cách 20% so với đỉnh. Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng thêm khoảng 15% trong một năm tới, giúp kéo P/E thấp hơn.

"Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng câu chuyện VN-Index đạt được tối thiểu 1.800 – 1.900 điểm. Tỷ phú George Soros từng nói thị trường đi ngang thì sẽ đi ngang mãi mãi, còn một khi vào uptrend, với tâm lý tích cực thì sẽ duy trì đà tăng tương đối lâu dài", ông Đức lạc quan.

Ông cũng cho rằng FOMO là yếu tố cần chú ý, nhưng thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa đến đỉnh. Đỉnh của thị trường phải ở mức P/E khoảng 19 – 20 lần.

Giải đáp mối quan tâm của nhà đầu tư về việc tại sao VN-Index khó vượt mốc 1.500 đến vậy, và liệu sau nhịp điều chỉnh hiện tại, sẽ là đà bứt phá mới; ông Đức nêu quan điểm về chiến lược đầu tư cho hiện tại: 1.500 điểm là mức phù hợp để tích lũy. Theo chuyên gia VPBankS, nhìn về các lớp lang của cổ phiếu, thực tế cổ phiếu dẫn dắt là nhóm Vin (VRE, VIC, VHM) và Bất động sản. Cổ phiếu VIC đã gấp 3 lần so với đầu năm (từ khoảng 40.000 đồng/cp lên 120.000 đồng/cp). Quay lại năm 2021, cổ phiếu VIC hiện tại cũng khá giống HPG khi ấy. Năm 2021, cổ phiếu HPG đã gấp 6 lần. Giữa năm 2021, những cổ phiếu dẫn dắt bắt đầu có dấu hiệu yếu đi và thị trường bắt đầu tìm sang những dòng cổ phiếu khác rồi mới lên đỉnh mới.

"Trong vài tuần trở lại đây, hiện tượng này đang diễn ra. Những cổ phiếu như VIC đang ở nhịp tăng nóng và đỉnh sẽ không còn xa nữa. Vào nửa cuối năm 2021, sau khi tạo đỉnh, cổ phiếu HPG đã chững lại và thị trường xuất hiện những cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán (hưởng lợi từ thanh khoản cao, câu chuyện nâng hạng…), cổ phiếu gắn liền với nền kinh tế thực: bán lẻ, ngân hàng", ông Nguyễn Việt Đức nhấn mạnh.

Trước đó, nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Phân tích Khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam, cho rằng TTCK Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng vượt trội so với các TTCK khác. Theo ông Minh, so với các thị trường châu Á, mức xếp hạng tăng trưởng của Việt Nam cho thấy vẫn trong giai đoạn tăng trưởng mạnh cho nên xu hướng tăng cũng sẽ bền vững hơn trong trung hạn.

CK VN
Xếp hạng tăng trưởng của các thị trường. Nguồn: YSVN

Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam cũng nhận định công nghệ và viễn thông vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể theo ông, mỗi giai đoạn là sự thống trị của mỗi nhóm ngành lớn tính theo tỷ trọng vốn hóa trên TTCK Mỹ. Mỗi thời kỳ, thị trường đều tập trung vào một nhóm ngành chủ đạo – hiểu được chu kỳ này giúp nhà đầu tư định hướng chiến lược phân bổ tài sản hợp lý theo giai đoạn kinh tế.

"Quá khứ không đảm bảo tương lai, nhưng mô hình lịch sử cho thấy ngành dẫn dắt sẽ thay đổi khi có đột phá công nghệ hoặc chuyển dịch cấu trúc kinh tế. Hiện nay, ngành công nghệ có tỷ trọng tương đương với ngành năng lượng ở đỉnh cao năm 1950s. Tuy nhiên, nó cũng có thể tiếp tục hướng lên đỉnh ở nhóm ngành Vận tải hay cao hơn là nhóm Tài chính và Bất động sản.

Nhìn chung, nhóm Công nghệ và viễn thông đang nằm trong chu kỳ tăng trưởng lớn ở giai đoạn hiện nay cho đến khi có sự thay đổi đột phá ở lĩnh vực khác", ông Minh phân tích.

Ngoài ra, tỷ lệ giữa chỉ số ngành năng lượng so với chỉ số VN-Index cũng đang ở mức thấp và thấp dưới mức đáy 2022, nhưng nếu lấy các cổ phiếu đai diện (PVS, PVD, GAS, BSR) thì tỷ lệ ở các cổ phiếu này so với VN-Index đang ở mức đáy 2020 cho thấy cơ hội tìm kiếm nhóm đang có định giá thấp. Tuy nhiên, dài hạn thì vẫn cần các cú hích chính sách để cải thiện yếu tố cơ bản ở nhóm này khi Điểm cơ bản ở nhóm Sản xuất dầu khí và Dịch vụ dầu khí chỉ ở mức 30 và 57 điểm – thấp so với thị trường, theo ông Nguyễn Thế Minh.

Đại diện Yuanta Việt Nam theo đó nhìn nhận, có các cơ hội đầu cơ ngắn hạn ở nhóm Năng lượng, đặc biệt là dầu khí nhưng triển vọng dài hạn vẫn đang mơ hồ và cần có các dấu hiệu rõ ràng hơn từ chính sách và đà hồi phục của nền kinh tế. Ở giai đoạn hiện tại thì nhà đầu tư nên quan sát và cho vào danh mục theo dõi khi định giá ở nhóm này đang thấp nhưng chưa nên vội vã giải ngân.

Ngược với nhóm Năng lượng, mức vốn hóa nhóm Công nghệ tiếp tục tăng mạnh và tạo ra mức chênh lệch lớn so với các nhóm cổ phiếu khác như nhóm chu kỳ truyền thống (tài chính, công nghiệp, năng lượng, vật liệu) và phòng thủ (hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích, chăm sóc sức khỏe). Điều này còn cho thấy phần lớn các nhà đầu tư đang tập trung vào nhóm công nghệ thay vì việc đầu tư dàn trải hay phân tán rủi ro - điều này đã từng xảy ra trong giai đoạn Dot-com.

Định giá nhóm Công nghệ cũng tiếp tục ở mức cao nhưng vẫn còn cách xa so với thời điểm Dot-com. Nhưng chính vì mức chênh lệch định giá này có thể mở ra cơ hội ở nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt làn sóng này sẽ diễn ra rõ nét nếu kinh tế hồi phục và dòng tiền sẽ quay lại các nhóm ngành cơ bản, ông Nguyễn Thế Minh dự báo.

An Định