Doanh nghiệp

Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải: Hoàn thành quy hoạch vùng chuyên canh trong quý III/2025

Thy Hằng 22/07/2025 05:51

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hoàn thành trong quý III-2025.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 371/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bản sao lua_1tr_ha_1
Đề án 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng.

Trong đó, về Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL, Thủ tướng đánh giá, với sự chủ động triển khai với nhiều mô hình tại các địa phương, sự vào cuộc của các hợp tác xã, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đề án đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng.

Việc triển khai Đề án góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN và đối tác quốc tế…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa cao; chưa làm tốt hoạt động liên kết vùng, liên kết quốc tế, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng thương hiệu gạo quốc gia để tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, nhất là đối với một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thuộc Đề án, hoàn thành trong quý III-2025.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo, thực hiện ký các hiệp định dài hạn (từ 5-10 năm), bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân. Bộ KH-CN phối hợp với Bộ NN-MT và UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xây dựng mẫu mã bao bì bền, đẹp, phù hợp với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và dễ nhận diện…

Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước. Các doanh nghiệp phải cam kết và bảo đảm đầu ra, cung ứng vật tư nông nghiệp và các mặt hàng phục vụ cho sản xuất lúa như phân bón, thuốc trừ sâu và các vấn đề liên quan đến tăng năng suất lao động…

lua-4.jpg
Dự kiến trong năm nay, diện tích áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải sẽ đạt trên 300 nghìn ha.

Trên thực tế, kết quả bước đầu triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia. Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực.

Dựa trên kết quả triển khai các mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương cùng các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia quốc tế để xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy của dữ liệu phát thải, tạo cơ sở để áp dụng đo đạc trên toàn bộ diện tích tham gia Đề án, đồng thời phục vụ các cơ chế tài chính carbon trong tương lai.

Năm 2025 là năm quan trọng, đánh dấu giai đoạn kết thúc của giai đoạn đầu Đề án. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu đăng ký về diện tích canh tác giảm phát thải đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các mô hình canh tác giảm phát thải từ nguồn ngân sách địa phương. Dự kiến trong năm nay, diện tích áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải sẽ đạt trên 300 nghìn ha.

Bên cạnh đó, triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình sản xuất bền vững, đo đạc phát thải (MRV) cho cán bộ địa phương, hợp tác xã và nông dân; quan tâm đặc biệt đến việc duy trì và phát triển đội ngũ khuyến nông cộng đồng, đảm bảo họ có đủ năng lực hướng dẫn và hỗ trợ nông dân. Xây dựng bản đồ số hóa diện tích xuất lúa tại 12 địa phương tham gia triển khai Đề án 1 triệu ha đảm bảo đủ tiêu chí mở rộng trong giai đoạn 2026-2030. Mặt khác, Bộ NN - MT sẽ phối hợp quyết liệt hơn với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho dự án vốn vay WB hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng tham gia đề án.

Thy Hằng