Chiến lược đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp
Khi kinh tế toàn cầu nhiều biến động và chính sách thương mại thay đổi liên tục, doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khối xuất khẩu đang đứng trước nhiều thách thức.
Mặc dù số liệu tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm khả quan, nhưng nếu nhìn theo một góc nhìn khác thì có vẻ như các doanh nghiệp xuất khẩu đang "hụt hơi" bởi một số doanh nghiệp đã mất đơn hàng do các quy định và chính sách thuế quan của Mỹ, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM nhận định.

Ông Lê Phụng Hào - Chủ tịch HĐQT Global AAA Consulting cũng nhấn mạnh rằng chính sách thuế đối ứng là "một cú sốc lớn", ảnh hưởng đặc biệt đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, và đồ gỗ. Ông Hào cũng lưu ý rằng con số xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm có thể là do doanh nghiệp tranh thủ cơ hội trước khi chính sách thuế có hiệu lực. Mức thuế dự định 20% sẽ tạo ra rào cản lớn với thị trường Mỹ.
Ông Kỳ dự báo các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp thách thức với nguy cơ "decoupling" (tách rời tương quan), một xu hướng Mỹ và các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tách rời khỏi các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm rủi ro địa chính trị. Để đối phó với điều này, các doanh nghiệp Việt cần gấp rút xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng. Việc này nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và minh bạch tài chính, đồng thời tạo điều kiện để Mỹ và các nền kinh tế lớn dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác định đó là hàng trung chuyển hay hàng Việt Nam sản xuất 100%. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, con số 40% thuế dự kiến đối với hàng trung chuyển là "cơ hội rất lớn" để chuyển các nguồn vốn FDI trở thành nguồn vốn thực sự, buộc các FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam thay vì chỉ trung chuyển và bảo hộ công nghệ như trước đây.
Để giảm bớt sự lệ thuộc vào một thị trường cụ thể như Mỹ, ông Lê Phụng Hào khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đa dạng hóa thị trường, khai thác các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, bà Trịnh Thị Hương - Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính - cũng thông tin rằng chính phủ sẽ khởi động đàm phán và ký kết các FTA mới với các nước Trung Đông, Ấn Độ, Châu Mỹ La Tinh, và nâng cấp các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đặc biệt chú trọng việc triển khai các phương án đàm phán với Hoa Kỳ. Đây là những điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý liên quan đến vấn đề thị trường.
Mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo ra thách thức với mức thuế cao hơn so với trước đây, Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định so với một số nước khác trong khu vực. Ông Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban IV - nhận định rằng mặc dù thuế quan có thể gây tác động tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, nó sẽ tốt cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng nội địa.
Trong bối cảnh bất định như hiện nay, việc quản trị rủi ro là cực kỳ quan trọng. TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - khuyến nghị doanh nghiệp cần biết cách quản trị rủi ro và sự bất định thông qua việc xây dựng kịch bản, nắm bắt thông tin, sử dụng các công cụ quản trị rủi ro tài chính, và chuẩn bị cho các vấn đề bảo vệ pháp lý, xử lý tranh chấp.
Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng doanh nghiệp không nên đợi đến khi các chính sách thuế mới công bố mới phản ứng, mà cần tự mình lường trước các kịch bản để khi bất kỳ mức thuế hay kịch bản nào xảy ra, chúng ta đều có thể lường trước được. Ông cũng gợi ý các doanh nghiệp cần thiết lập "các kịch bản đa tầng" (multiscenario) để phản ứng linh hoạt trước các thay đổi chính sách của thị trường quốc tế và trong nước.
Ông Lê Phụng Hào cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần chú ý tái cấu trúc lại để linh hoạt với những biến động của thị trường. “Đây là điều rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.