Nghiên cứu - Trao đổi

Thuế cổ tức cổ phiếu: Gánh nặng vô hình từ một khoản chưa sinh lời

Gia Linh 24/07/2025 11:42

Đề xuất thu thuế ngay khi chia cổ tức bằng cổ phiếu đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên thu khi có thu nhập thực, có dòng tiền thực…

Trong góp ý mới gửi Bộ Tài chính về dự thảo sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ lo ngại về quy định đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngay tại thời điểm cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Chưa phát sinh thu nhập thực tế vẫn phải nộp thuế?

Theo VCCI, đây là cách tiếp cận chưa hợp lý về mặt thực tiễn và nguyên tắc pháp luật.

thue-co-tu-co-phieu-ganh-nang-vo-hinh-tu-mot-khoan-chua-sinh-loi-1.jpg
Đề xuất thu thuế ngay khi chia cổ tức bằng cổ phiếu đang gây tranh cãi. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông tại thời điểm nhận cổ tức. Về bản chất, đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật trong cấu trúc vốn, làm tăng số cổ phiếu lưu hành nhưng không làm tăng tổng giá trị tài sản của cổ đông.

Ví dụ một cá nhân nắm giữ 100.000 cổ phiếu có giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 2:1 (2 cổ phiếu cũ nhận thêm 1 cổ phiếu mới), cá nhân này nhận thêm 50.000 cổ phiếu.

Đồng thời, theo quy định pháp luật, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh còn 20.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị tài sản trước và sau khi nhận cổ tức vẫn là 3 tỉ đồng, không phát sinh thu nhập, nhưng cá nhân đó vẫn phải nộp 25 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân.

Tại thời điểm trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông chưa nhận lợi ích gì từ việc này. Do vậy, theo VCCI, nếu thu thuế ngay thời điểm này sẽ tạo áp lực tài chính và rủi ro thanh khoản cho nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Không chỉ có ảnh hưởng tiêu cực đến nhà đầu tư, VCCI lo ngại đề xuất mới này nếu đưa vào thực thi sẽ tác động đến nguồn lực tái đầu tư cho doanh nghiệp.

Từ góc độ doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế có thể được xử lý theo ba cách: không chia lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Trong đó, hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu là một hình thức dung hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông.

Đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ lâu dài, đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tiếp tục phát triển doanh nghiệp hơn nữa vì chỉ như thế mới thực sự biến số cổ phiếu đó thành lợi nhuận. Đây cũng là một trong những cách ngành thuế nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, lâu dài.

VCCI nhấn mạnh, đề xuất đánh thuế ngay tại thời điểm chia cổ tức bằng cổ phiếu như dự thảo sẽ khiến phương án này trở nên kém hấp dẫn, làm mất đi công cụ hiệu quả để doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

thue-co-tu-co-phieu-ganh-nang-vo-hinh-tu-mot-khoan-chua-sinh-loi-2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên thu khi có thu nhập thực, có dòng tiền thực. Ảnh minh hoạ

Chia cổ phiếu không đồng nghĩa có thu nhập

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, ông Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho biết: theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, khoản thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là phần lợi tức mà cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là phần cổ phiếu phát sinh trên danh nghĩa, không mang lại giá trị thực tế ngay thời điểm chia.

“Việc cá nhân được ghi nhận thêm cổ phiếu không đồng nghĩa với việc đã có thu nhập. Khi chưa bán, chưa có giao dịch, thì phần tài sản đó chưa thể quy đổi thành tiền, cũng chưa có khả năng sinh lời. Thu thuế tại thời điểm này là không hợp lý về bản chất pháp lý”, luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.

Theo luật sư Tuấn, không có dòng tiền thực nghĩa là không có căn cứ rõ ràng để tính toán nghĩa vụ tài chính. Nếu vẫn bắt buộc khấu trừ thuế ngay, rất dễ xảy ra rủi ro thanh khoản, và không ít trường hợp nhà đầu tư phải bán cổ phiếu chỉ để nộp thuế, điều này trái với nguyên tắc quản lý thuế là “thu đúng – thu đủ – thu đúng thời điểm”.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, hiện tại quy định mới chỉ ở giai đoạn dự thảo, chưa có hiệu lực. Nếu được thông qua, cần song hành với các hướng dẫn cụ thể về xác định giá tính thuế, cơ chế khấu trừ và hoàn thuế, tránh tình trạng áp dụng thiếu đồng bộ.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cũng cho rằng, thuế thu nhập cá nhân về bản chất là sắc thuế đánh vào phần thu nhập đã hình thành, xác định được giá trị và thực sự làm tăng tài sản cá nhân. Trong khi đó, cổ tức bằng cổ phiếu là sự phân bổ nội bộ trong doanh nghiệp, không tạo ra khoản lợi ích ngay lập tức cho người nhận.

“Nếu chưa có giao dịch, chưa có thu nhập quy đổi thành tiền, thì rất khó để nói rằng cá nhân đã phát sinh nghĩa vụ thuế”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, ngay cả khi quy định mới được ban hành, vẫn cần tiếp cận thận trọng. Nếu thuế được áp dụng tại thời điểm chia cổ phiếu, thì phải tính đến rủi ro giảm giá cổ phiếu sau chia, hoặc trường hợp nhà đầu tư không thể bán được cổ phiếu do thị trường kém thanh khoản, khi đó, chính sách thuế có thể tạo ra thiệt hại ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề xuất, nếu mục tiêu của Bộ Tài chính là chống thất thu, thì nên quy định thời điểm xác định thu nhập là khi chuyển nhượng, còn nếu vẫn quyết định đánh thuế sớm, thì cần cho phép doanh nghiệp hỗ trợ nộp thuế thay hoặc xây dựng cơ chế khấu trừ linh hoạt và hoàn thuế nếu nhà đầu tư không hiện thực hóa được giá trị.

“Chính sách thuế nên bảo vệ nguyên tắc công bằng, đồng thời đồng hành cùng sự phát triển ổn định của thị trường vốn, chứ không thể trở thành lực cản”, vị luật sư nhấn mạnh.

Gia Linh