Trung tâm Tài chính Quốc tế: Cơ hội cho startup
Xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) cùng cơ chế thử nghiệm sandbox mở thêm những cơ hội mới cho cộng đồng startup tại Việt Nam.

Xây dựng một IFC đòi hỏi không chỉ chính sách ưu đãi mà còn là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ hạ tầng cứng đến chất lượng nguồn nhân lực và sự linh hoạt của các công cụ tài chính.
Những lợi thế cho xây dựng một IFC
Nhìn từ thực tế các trung tâm tài chính quốc tế ở London (Anh) hay New York (Mỹ), thay vì tập trung hóa quyền lực kinh tế vào một siêu đô thị duy nhất như nhiều quốc gia khác thì Việt Nam đang hướng tới việc phân bổ tiềm lực, tạo ra các cực tăng trưởng trải đều, đảm bảo không vùng nào bị bỏ lại phía sau. Thành phố Đà Nẵng có tham vọng phát triển một IFC bên cạnh TP Hồ Chí Minh.
PGS, TS Đặng Tùng Lâm, Trưởng khoa Tài chính, trường ĐH Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng một đô thị lớn như Đà Nẵng có thể trở thành ứng cử viên sáng giá cho vai trò IFC bởi một số lợi thế. Trước tiên, đây là giao điểm của các tuyến hàng không, hàng hải quan trọng, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của châu Á. Đà Nẵng có tiềm năng trở thành một "hub" tài chính tương tự như cách Dubai đã tận dụng vị thế giao thương của mình.
Hạ tầng mềm và tinh thần đổi mới sáng tạo thể hiện việc Đà Nẵng liên tục được đánh giá cao về mức độ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành phố còn có nguồn nhân lực chất lượng cao mà trung tâm là Đại học Đà Nẵng và các cơ sở đào tạo khác đủ để cung ứng nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và tài chính. Bên cạnh đó, những cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương như sự năng động, sẵn sàng học hỏi và hỗ trợ doanh nghiệp của lãnh đạo thành phố tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Ông Ben El-Baz, Giám đốc Điều hành của HashKey từ góc độ một doanh nghiệp quốc tế, chia sẻ rằng các công ty fintech như HashKey khi tìm kiếm thị trường đầu tư sẽ ưu tiên những nơi có hạ tầng fintech phát triển, quy định rõ ràng và khả năng chuyển đổi số mạnh mẽ như Việt Nam đã thể hiện trong việc chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Ông cũng gợi ý hai mô hình đầu tư: sở hữu 100% khi thị trường và pháp lý đã rõ ràng, hoặc hợp tác với đối tác địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực fintech và blockchain nơi sự am hiểu địa phương và kết nối với cơ quan quản lý là rất quan trọng. Đặc biệt, công nghệ tài chính (fintech) đòi hỏi sự giao thoa giữa công nghệ và tài chính, và là nơi cơ chế sandbox đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mô hình IFC.
Cơ hội cho startup và vai trò kết nối
Đầu tư vào hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo dựng một hành lang pháp lý cởi mở và đặc biệt là triển khai hiệu quả cơ chế Sandbox sẽ là những yếu tố then chốt giúp cho IFC hoạt động hiệu quả. Cơ chế sandbox chính là cơ hội để các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phối hợp với chính phủ, cùng nhau thiết kế và thử nghiệm các giải pháp, từ đó đóng góp vào việc định hình chính sách.
Sandbox là công cụ không thể thiếu để thúc đẩy fintech và các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Sandbox tạo ra một không gian an toàn, có kiểm soát cho các startup thử nghiệm những ý tưởng mới mà không bị ràng buộc ngay lập tức bởi các quy định pháp lý cứng nhắc. Điều này đặc biệt quan trọng khi chính phủ cần thời gian để đánh giá tác động và xây dựng khung pháp lý phù hợp cho các công nghệ mới nổi như AI, blockchain, crypto.
Tuy nhiên, việc triển khai sandbox cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. PGS, TS Đặng Tùng Lâm nhấn mạnh nguy cơ "xung đột pháp lý" và sự cần thiết phải tìm ra điểm cân bằng vàng. Nếu sandbox quá chặt chẽ (over-regulated), nó sẽ không đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư và khuyến khích đổi mới. Ngược lại, nếu quá lỏng lẻo, nó có thể bị lợi dụng, gây rủi ro cho hệ thống tài chính và người tiêu dùng.
PGS, TS Phan Trần Trung Dũng, phó chủ nhiệm Khoa Ngân hàng – Tài chính, trường Đại học Ngoại thương, cũng đồng tình rằng việc xây dựng một cơ chế sandbox hiệu quả, nhưng cần có những điều chỉnh đặc thù cho IFC, tập trung vào các lĩnh vực như Open API, e-lending, credit scoring, và dữ liệu xanh là vô cùng cần thiết.
Sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự năng động của cộng đồng startup sẽ là động lực để Đà Nẵng không chỉ hiện thực hóa khát vọng IFC mà còn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đổi mới sáng tạo và công nghệ tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Việc xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) và áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox là một bước đi quan trọng, có thể tạo ra một cú hích lớn cho sự phát triển của cộng đồng startup Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực fintech.