Vượt rào cản phi thuế quan ở khu vực ASEAN
Trong khi thuế quan gần như được xóa bỏ trong khu vực ASEAN theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), thì các rào cản phi thuế quan lại đang âm thầm gia tăng, kìm hãm giao thương nội khối.

Theo cơ sở dữ liệu của ASEAN, số lượng các biện pháp phi thuế quan trong khu vực đã tăng từ hơn 4.350 vào năm 2008 lên khoảng 13.804 vào năm 2022. Trong đó, hai nhóm biện pháp chính chiếm đến 70% tổng số là các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các quy định về vệ sinh an toàn, kiểm dịch thực vật.
Thách thức từ rào cản phi thuế quan
Các rào cản phi thuế quan vừa khó nhận diện, vừa khó gỡ bỏ. Một ấn phẩm gần đây của Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC) đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các vấn đề liên quan đến các rào cản phi thuế quan trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Họ đã xác định 5 vấn đề chính, bao gồm hạn chế nhập khẩu; các quy trình hải quan không minh bạch và thiếu nhất quán; các yêu cầu pháp lý phức tạp; hạn chế đầu tư và quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; và thiếu công nhận lẫn nhau, cũng như không hài hòa về tiêu chuẩn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong ASEAN, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định khác nhau về nhãn mác, giấy phép nhập khẩu, quy chuẩn sản phẩm hoặc thủ tục hải quan…
Theo bà Nguyễn Mai Phương, Luật sư điều hành, Trưởng chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật KPMG tại Việt Nam, tác động của các rào cản phi thuế quan đối với doanh nghiệp và dòng chảy thương mại là không hề nhỏ, nhưng chưa có giải pháp hóa giải.
Mặc dù ASEAN đã xây dựng một số công cụ hỗ trợ như Cổng thông tin Thương mại ASEAN, Cổng thông tin Thương mại Quốc gia, hay hệ thống ASSIST giúp doanh nghiệp tìm hiểu và khiếu nại về rào cản, nhưng việc triển khai vẫn còn chậm trễ.
Ngoài ra, các sản phẩm như Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW), hay Hệ thống vận chuyển hàng hóa quá cảnh ASEAN (ACTS) đã được triển khai tại Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nhưng chưa đạt mức áp dụng đồng bộ trong toàn khu vực.
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng
Trên thực tế, không thể loại bỏ hoàn toàn rào cản phi thuế quan, vốn gắn liền với mục tiêu quản lý chính đáng. Những biện pháp hiện nay được các nước, bao gồm các nước ASEAN, áp dụng là tất yếu của thị trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng tốt hơn để xâm nhập vào các thị trường.
Bà Nguyễn Mai Phương cho rằng, ASEAN cần có các giải pháp mang tính tập thể ban đầu, như thúc đẩy sử dụng Cổng thông tin Thương mại ASEAN để cập nhật và chia sẻ các chính sách, qua đó nâng cao tính minh bạch. Đồng thời, khi ban hành các biện pháp phi thuế quan mới, cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc rõ ràng, hợp lý, minh bạch và không phân biệt đối xử.
“Mỗi quốc gia cần cải thiện năng lực nội tại, đơn giản hóa quy trình cấp phép, gia tăng công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và đẩy mạnh số hóa. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp hoặc tổ chức các hội thảo giúp họ hiểu rõ hơn về chính sách và khung pháp lý liên quan, cùng với cơ sở dữ liệu kết nối để cập nhật thời gian thực hiện nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu từ thị trường xuất khẩu,” bà Phương chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Vũ Hoài Nam, Cộng sự cấp cao, Công ty Luật TNHH ASL cho rằng, cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên bộ và triển khai kỹ thuật nhất quán nhằm giảm thiểu sự chênh lệch trong tuân thủ quy định.
“Một trong những yêu cầu cấp thiết là hiện đại hóa quy trình cấp phép trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc tinh giản các thủ tục này thông qua nền tảng cấp phép tập trung, quy trình số hóa và hướng dẫn pháp lý chuyên ngành sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư”, ông Nam nhấn mạnh và cho biết thêm, việc lập bản đồ pháp lý và quy định tại từng quốc gia là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường. Bản đồ này bao gồm quy định về lao động, môi trường và dữ liệu.
Ngoài ra, khung pháp lý trong hợp đồng cũng cần được điều chỉnh phù hợp với tính đa dạng của hệ thống pháp luật ASEAN. Cùng với đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là trụ cột không thể thiếu.
Mặt khác, bà Sarah Tan, chuyên gia chính sách thương mại tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng “hồ sơ tuân thủ kỹ thuật số” cho từng dòng sản phẩm, bao gồm toàn bộ chứng nhận, quy trình sản xuất, kiểm nghiệm và kiểm soát chất lượng. “Việc chuẩn hóa dữ liệu như vậy sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng cập nhật yêu cầu mới và chia sẻ minh bạch với cơ quan kiểm định nước ngoài,” bà Sarah Tan chia sẻ.
Đặc biệt, theo VASEP, để vượt qua rào cản kỹ thuật, các doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm theo giá trị gia tăng và thiết lập mối quan hệ với nhà phân phối. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có một hệ thống siêu thị đặc thù, nếu doanh nghiệp luôn đổi mới sản phẩm, tạo ra sản phẩm độc đáo, và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường đó thì sẽ có chỗ đứng trong siêu thị.