Hiện thực tăng trưởng hai con số: Doanh nghiệp tự lực - Dân tộc tự cường
Nhà nước cần đồng hành nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Đồng thời, những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về thị trường, công nghệ hay vốn sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Ở châu Á, chỉ có 4 nền kinh tế từng đạt được tăng trưởng kinh tế hai con số trong nhiều năm liên tục như mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới, đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Nếu Việt Nam không nhanh chóng tận dụng được cơ hội trong vòng 10 - 12 năm tới, vốn được coi giai đoạn vàng để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ khó có cơ hội bứt phá như các quốc gia nói trên đã từng làm.
Điểm chung của những nền kinh tế tăng trưởng liên tục hai con số là phát triển các ngành công nghệ cao và vào được thị trường Mỹ. Vào được thị trường Mỹ, chúng ta có thể vào tất cả các thị trường khác. Sunhouse đã rất nỗ lực trong 4 năm qua và là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp cận được thị trường Mỹ. Dự kiến năm nay, Sunhouse xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 3.000 tỷ đồng. Khách hàng Mỹ rất “đơn giản”, để vào thị trường Mỹ cần sản phẩm “5 sao” nhưng “giá Trung Quốc”. Vì vậy, cần tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam để vào thị trường Mỹ.
Để các doanh nghiệp vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, điều kiện tiên quyết là phải gia nhập được chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như môi trường kinh doanh phải thật sự thông thoáng, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam là rất lớn. Muốn vào những ngành có thể thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần tham gia vào những ngành có quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành từ Nhà nước để tạo ra năng lực cạnh tranh.
Trung Quốc là một hình mẫu đáng học hỏi. Chính quyền mỗi địa phương đều có quỹ đầu tư phát triển, các địa phương này sẽ lựa chọn ra những ngành nghề chiến lược và đầu tư vào 1 - 2 doanh nghiệp tiềm năng nhất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn đầu.
Cách làm của Trung Quốc là ban đầu, họ bán trên biến phí không cần có lãi để lấy đơn hàng chạy “full” công suất, tham gia vào chuỗi cung ứng. Mục tiêu của họ không phải là lợi nhuận trước mắt, mà là giành được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và khi đã chiếm lĩnh được vị trí, thì lợi nhuận sẽ đến sau.
Cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà nhờ vào sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nhưng để nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần phải hành động nhanh, có chiến lược rõ ràng và sự đồng hành thực chất giữa doanh nghiệp và chính sách vĩ mô.
Cụ thể, chúng tôi đề nghị, doanh nghiệp và Nhà nước phải đồng hành cùng nhau, chọn ngành nghề chiến lược, xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp dài hạn. Không thể để doanh nghiệp đơn lẻ tự xác định hướng đi trong khi chi phí đầu vào, hạ tầng, mặt bằng, logistics... đều bị đội lên cao hơn so với các nước cạnh tranh.
Nói cách khác, vai trò của Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ rào cản, mà là đồng hành rõ nét hơn trong giai đoạn khởi động và xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về thị trường, công nghệ hay vốn sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh quốc tế.