Kinh tế thế giới

Trung Quốc sửa Luật định giá để ngăn giảm phát

Cẩm Anh 26/07/2025 03:07

Bắc Kinh ngày càng lo ngại về tình trạng giảm giá mạnh trong hàng loạt ngành công nghiệp, khiến giảm phát thêm trầm trọng.

Ảnh màn hình 2025-07-25 lúc 20.15.11
Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch dập tắt cuộc chiến giá cả khốc liệt đang diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm thương mại điện tử và giao đồ ăn. Ảnh: Getty Image

Trung Quốc dự định sửa đổi một đạo luật định giá đã tồn tại hàng thập kỷ như một phần trong chiến dịch đang diễn ra nhằm kiềm chế các cuộc chiến giá khốc liệt đang hoành hành ở nhiều ngành công nghiệp, một vấn đề đang đe dọa xóa sổ lợi nhuận doanh nghiệp và làm gia tăng áp lực giảm phát.

Theo bản dự thảo được công bố bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cùng Tổng cục Quản lý Thị trường Trung Quốc, dự thảo sửa đổi điều chỉnh 10 điều khoản trong luật, cập nhật định nghĩa về các hành vi định giá không công bằng.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc khi các doanh nghiệp đối mặt với nhu cầu trong nước yếu và tình trạng dư cung buộc phải cắt giảm giá sâu để thu hút khách hàng.

Xu hướng này đã trở thành mối quan ngại nghiêm trọng đối với Bắc Kinh trong những tháng gần đây, khi các quan chức Trung Quốc liên tục cam kết dập tắt các cuộc chiến giá và chỉ trích các doanh nghiệp tham gia vào hình thức cạnh tranh “hỗn loạn” có thể làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế.

Các cơ quan chính phủ cho biết, do bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã trải qua những thay đổi sâu sắc, Luật định giá ban hành từ năm 1998 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay.

“Với sự xuất hiện liên tục của các hình thức kinh tế và mô hình kinh doanh mới, một số ngành đã ghi nhận các trường hợp nổi bật của cạnh tranh hỗn loạn với mức giá thấp, từ đó đặt ra yêu cầu mới đối với việc điều tiết và giám sát giá cả,” tuyên bố cho biết.

Dự thảo sửa đổi Luật định giá đang được lấy ý kiến công chúng đến ngày 23/8 dự kiến sẽ bổ sung điều khoản quy định rằng các doanh nghiệp không được ép buộc đối tác khác bán hàng hóa dưới giá thành. Trước đây, luật chỉ cấm hành vi bán dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ hoặc độc chiếm thị trường.

Luật sửa đổi cũng bổ sung điều khoản ngăn chặn các doanh nghiệp sử dụng “dữ liệu, thuật toán và công cụ công nghệ” để thực hiện hành vi định giá không công bằng.

Nhận định về vấn đề này, ông Liu Wuxing Giám đốc trung tâm giám sát giá của NDRC cho biết, việc sửa luật là tín hiệu rõ ràng về cam kết của chính phủ trong việc tăng cường quản lý giá và bảo vệ môi trường thị trường cạnh tranh công bằng,

Việc công bố dự thảo sửa đổi Luật định giá đã được thị trường đón nhận tích cực, giúp các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc tăng điểm, dẫn đầu là nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, kim loại màu và tài chính, theo một ghi chú từ Công ty Chứng khoán Tương lai Công nghiệp Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu.

Screenshot 2025-07-23 103121
Những chiếc xe mới sản xuất tại nhà máy BYD ở Trịnh Châu. Ảnh: Gilles Sabrié

Tờ Nhân Dân Nhật Báo cũng đã lên án cuộc chiến giá đang diễn ra trong ngành thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng và đổi mới thay vì bằng giá rẻ.

Bài viết nhấn mạnh rằng việc giải quyết cạnh tranh hỗn loạn không chỉ cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là bước đi cần thiết để nâng cấp nền công nghiệp quốc gia.

Trong những tuần gần đây, các ngành ô tô, thương mại điện tử và năng lượng mặt trời đã cảm nhận rõ sức nóng từ chiến dịch giá cả khi các quan chức triệu tập các doanh nghiệp trong ba ngành này để bàn giải pháp chấm dứt cuộc chiến giá.

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Tương lai Shenyin Wanguo công bố mới đây, các chính sách kiềm chế cuộc chiến giá cả dự kiến sẽ giúp giảm bớt tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số ngành hàng hóa. Báo cáo cũng cho rằng các chính sách này sẽ giúp các ngành liên quan dần phục hồi lợi nhuận nhờ loại bỏ phần năng lực dư thừa.

Giới quan sát cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật định giá không chỉ nhằm lập lại trật tự thị trường nội địa mà còn có thể góp phần cải thiện hình ảnh Trung Quốc trong quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế.

Trên thực tế, nhiều đối tác nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và sản phẩm công nghệ cao, từng lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng chiến lược ‘giá phá thị trường’ để mở rộng thị phần. Nếu được thực thi nghiêm túc, luật mới sẽ giúp làm dịu căng thẳng thương mại và tăng niềm tin từ các nước đối tác.

Ở góc độ quốc tế, bà Alicia Garcia-Herrero chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis cho rằng những động thái gần đây của Bắc Kinh cho thấy nước này đang chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên sản lượng sang tăng trưởng dựa trên giá trị.

“Cạnh tranh dựa vào giá thấp đã khiến nhiều ngành xuất khẩu của Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá ở châu Âu và Mỹ, dẫn đến các rào cản thương mại và điều tra phòng vệ thương mại ngày càng tăng. Nếu Trung Quốc thực sự kiềm chế được cuộc đua hạ giá trong nước, sẽ góp phần giảm thiểu xung đột thương mại và mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực đổi mới, chuyển đổi xanh và công nghệ cao,” bà nói.

Cẩm Anh