Gạo, cà phê kẹt vốn vì thuế: Có nên mở lối từ chính sách?
Thuế VAT 5% áp với gạo, cà phê đang khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Đề xuất miễn thuế liệu có đủ cơ sở pháp lý và cơ hội thực thi?
Kiến nghị bỏ thuế để khơi thông dòng tiền
Trong kiến nghị khẩn mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã đồng loạt đề xuất bỏ thuế VAT 5% với mặt hàng gạo và cà phê nhân – hiện đang áp dụng cho tiêu thụ nội địa. Theo các hiệp hội, việc duy trì mức thuế này đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm và lãi suất chưa thực sự hạ nhiệt.

Cụ thể, đại diện VFA cho biết, doanh nghiệp phải ứng vốn để đóng VAT 5% cho nguyên liệu, bao bì, vận chuyển… nhưng đầu ra trong nước tiêu thụ chậm hoặc khó khấu trừ thuế hiệu quả. Dòng tiền vì thế bị đóng băng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn. Đối với ngành cà phê, Vicofa cũng phản ánh tình trạng tương tự, nhất là khi nhiều doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa phân phối nội địa.
Theo các hiệp hội, gạo và cà phê nhân là hai mặt hàng thiết yếu, đóng vai trò đầu vào quan trọng trong chuỗi chế biến và xuất khẩu nông sản. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lại chịu sự phân biệt về chính sách thuế giữa đầu ra nội địa và đầu ra xuất khẩu, khiến khả năng khấu trừ – hoàn thuế bị gián đoạn. “Cùng một chuỗi cung ứng nhưng sự chênh lệch chính sách thuế giữa các loại đầu ra đang khiến doanh nghiệp gặp khó trong cân đối dòng tiền”, đại diện VFA nhận định.
Các hiệp hội kiến nghị nên miễn thuế VAT 5% đối với gạo và cà phê nhân hoặc có cơ chế hỗ trợ hoàn thuế nhanh hơn. Mục tiêu là giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất – kinh doanh ổn định, nhất là trong giai đoạn thị trường còn nhiều bất ổn.
Cần tháo nút thắt từ luật và thực thi
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt – nhận định rằng đề xuất miễn VAT cho hai mặt hàng nói trên là hợp lý xét cả từ góc độ thực tiễn lẫn pháp lý.
“Đây là những sản phẩm có tính chiến lược trong ngành nông sản Việt Nam, phần lớn phục vụ chế biến sâu hoặc xuất khẩu. Mức thuế VAT hiện hành đang gây áp lực đáng kể về vốn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề hoàn thuế đầu vào”, ông Luân phân tích.

Theo luật sư Luân, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã quy định rõ các nhóm hàng không chịu thuế, chịu thuế 0%, 5% và 10%. Việc đưa một mặt hàng từ nhóm chịu thuế 5% về nhóm không chịu thuế hoàn toàn khả thi nếu có đề xuất chính thức từ các cơ quan quản lý và được Quốc hội phê duyệt khi sửa đổi luật. “Không có rào cản pháp lý cố định. Vấn đề là đánh giá tác động đầy đủ và có quyết tâm cải cách từ phía cơ quan lập pháp”, ông nói.
Luật sư cũng nhấn mạnh rằng nếu miễn thuế đúng cách và trúng đối tượng, ngân sách Nhà nước sẽ không bị thất thu nghiêm trọng, ngược lại còn có thể tạo động lực cho sản xuất – chế biến, qua đó tăng thu từ các sắc thuế khác. “Miễn thuế không đồng nghĩa với mất thu. Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng thì nguồn thu sẽ đến từ hiệu quả lan tỏa trong chuỗi giá trị”, ông Luân lập luận.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN – cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh là thực tế, và chính sách thuế hiện nay cần linh hoạt hơn. “Điểm nghẽn nằm ở độ chênh giữa thuế đầu vào và đầu ra khiến doanh nghiệp khó khấu trừ, dẫn đến đọng vốn. Trong khi đó, cơ chế hoàn thuế lại chưa đủ nhanh, minh bạch và thống nhất”, ông Hiệp nhận định.
Theo luật sư Hiệp, tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách thuế khiến doanh nghiệp không thể chủ động tài chính, đặc biệt là các đơn vị có quy mô vừa và nhỏ. Ông phân tích: “Chính sách thuế cần đảm bảo ba nguyên tắc: minh bạch, khả thi và không gây rủi ro tài chính cho người nộp thuế. Nếu doanh nghiệp không thể khấu trừ hoặc hoàn thuế hiệu quả thì bản chất của thuế VAT đã không còn đúng mục tiêu”.
Về giải pháp, ông Hiệp đề xuất có thể cân nhắc đưa gạo và cà phê nhân vào danh mục hàng hóa áp dụng chính sách thuế ưu đãi có thời hạn – tương tự như phân bón và máy móc nông nghiệp trước đây.
“Doanh nghiệp sản xuất nông sản không đòi hỏi ưu đãi đặc biệt, họ chỉ cần chính sách công bằng và ổn định. Thuế VAT không nên trở thành rào cản cản trở khả năng cạnh tranh”, luật sư nhấn mạnh.