Kinh tế

Công nghiệp chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng Quốc gia

Tuấn Vỹ 26/07/2025 00:15

Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, công nghiệp chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng.

Ngày 25/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” tại TP Đà Nẵng. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030 (VNEEP 3) nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại các Hội nghị COP 26, COP 27 và COP 28 về biến đổi khí hậu.

fd8fa625a55a2c04754b.jpg
Hội nghị “Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” ngày 25/7 tại TP Đà Nẵng.

Thông tin từ ban tổ chức, báo cáo “Những lợi ích của hiệu quả năng lượng” do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố khẳng định rằng đầu tư vào hiệu quả năng lượng không chỉ giúp giảm tiêu thụ điện mà còn mang lại hàng loạt lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường sâu rộng. Trong vòng hai thập kỷ qua, các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng đã giúp các nước thành viên IEA tiết kiệm hơn 27 EJ năng lượng, tương đương 20% tổng nhu cầu tiêu thụ. Đáng chú ý, riêng khu vực công nghiệp và dịch vụ đóng góp hơn một nửa mức tiết kiệm này.

Với doanh nghiệp, đây là công cụ hữu hiệu để giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Ở tầm quốc gia, hiệu quả năng lượng góp phần cải thiện chỉ số tiêu hao năng lượng trên mỗi đơn vị GDP, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh.

Bà Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho hay, về an ninh năng lượng, việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã giúp nhiều nước giảm tới 20% lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và hạn chế nguy cơ quá tải hệ thống điện vào giờ cao điểm. Đồng thời, việc giảm nhu cầu điện ngay từ đầu vào cũng giúp cắt giảm chi phí đầu tư xây dựng các nhà máy điện và lưới truyền tải mới.

abb69f8707f88ea6d7e9.jpg
Bà Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm.

“Đặc biệt, hiệu quả năng lượng đóng vai trò then chốt trong lộ trình giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Từ năm 2010, các giải pháp này đã đóng góp gần 20% tổng lượng CO2 được cắt giảm. Đặc biệt, năm 2025 là năm đánh dấu mốc nửa chặng đường thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030 (VNEEP 3). Đây là chương trình được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu rất rõ ràng: tiết kiệm ít nhất 7–10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, bà Trâm thông tin.

Cũng theo vị này, tại khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%. Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm.

“Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn”, bà Trâm nói thêm.

b74c2173960d1f53461c.jpg
ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia cho rằng tiết kiệm năng lượng sẽ giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.

Cùng trao đổi, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, phụ tải hệ thống điện quốc gia đã tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, miền Bắc tăng 4,1%, miền Trung tăng 5,3%, miền Nam tăng 1,6%.

Theo ông Trung, tình trạng này đặt hệ thống vận hành trước bài toán đầy khó khăn thách thức, khi các nguồn điện không thể tăng/giảm công suất tức thời để đáp ứng nhu cầu. Nhiệt điện than được coi là trụ cột về công suất phải cần từ 24 đến 72 giờ để khởi động từ trạng thái nguội. Đồng thời, thủy điện lớn đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, cột nước thấp, làm suy giảm công suất khả dụng từ 1.500 MW đến 6.000 MW trong những năm thủy văn cực đoan.

“Thủy điện nhỏ (hồ dung tích nhỏ điều tiết dưới 2 ngày) với tổng công suất 5.927 MW cũng chỉ có thể phát vài giờ trong ngày, khó hỗ trợ giờ cao điểm. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chiếm tới 26% tổng công suất đặt nhưng lại thiếu tính ổn định và không phát huy hiệu quả trong giờ cao điểm, đặc biệt là điện mặt trời vào buổi tối”, ông Trung nói.

Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng vấn đề tiết kiệm điện không còn là khuyến nghị, mà là một giải pháp chiến lược giúp giảm tải cho hệ thống. Theo số liệu, phụ tải tăng thêm từ 1.500 đến 3.000 MW mỗi khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35 độ C.

Trong khi đó, chỉ cần giảm tiêu thụ 1 kWh điện vào giờ cao điểm là đã góp phần giảm bớt áp lực cho hàng trăm km đường dây, trạm biến áp cũng như nguồn điện đắt tiền. Vì vậy, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện sẽ giúp cắt phụ tải đỉnh, giảm quá tải lưới và nguy cơ sự cố hệ thống; Giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới mới, qua đó giữ ổn định giá điện; nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa, cùng với đó là góp phần thực hiện cam kết trung hòa carbon, bảo vệ tài nguyên quốc gia”, ông Trung khuyến nghị.

Vào ngày 18/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm, quản lý nhu cầu điện, phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.

Tuấn Vỹ