Đâu là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường tín chỉ carbon?
Dù có tiềm năng lớn phát triển dự án carbon nhưng Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong triển khai và tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế.
Ông Lê Quang Linh - Chuyên gia dự án giảm phát thải, tài chính xanh của công ty CP khoa học và môi trường Giant Barb nhận định: Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng đáng kể trong việc tạo ra tín chỉ carbon. Năm 2023, với việc giao dịch thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon với giá trị 51,5 triệu USD, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia bán tín chỉ carbon hàng đầu thế giới.
Nhận diện thách thức
Tiềm năng doanh thu hàng năm từ bán tín chỉ carbon của Việt Nam ước tính lên đến 300 triệu USD với nhiều dự án carbon đa dạng thông qua việc tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có và giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các cơ chế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris - bước đi chiến lược, cho phép Việt Nam huy động nguồn lực tài chính và công nghệ quốc tế, đồng thời đảm bảo tính toàn vẹn môi trường. Nghị định 119/2025/NĐ-CP đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho quá trình này.
Mặc dù có tiềm năng lớn song các chuyên gia cũng thẳng thắn đánh giá: để triển khai hiệu quả và tham gia sâu rộng vào thị trường carbon quốc tế, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Đề cập cụ thể về những thách thức, PGS TS Nguyễn Đình Thọ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường cho biết: Việt Nam chưa hình thành thị trường carbon đúng nghĩa: chưa có hệ thống vận hành thị trường, chưa có tổ chức hay thành viên chính thức tham gia giao dịch, chưa có công cụ đo lường xác minh hiệu quả.
Một số nơi đã bắt đầu tạo ra tín chỉ carbon nhưng để giao dịch thực sự cần phải có sự kết nối giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ, giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Để kết nối được với thị trường quốc tế, cần thực hiện theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, phải được Chính phủ uỷ quyền. Tức là, Chính phủ phải đánh giá được tác động của các dự án này đến việc thực hiện cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Chỉ khi lượng tín chỉ carbon tạo ra là phần dư sau khi đã thực hiện cam kết NDC mới được phép bán.
Hiện nay, do chưa có cơ chế kiểm đếm, xác minh, tính toán phần dư này nên các hoạt động động xuất khẩu tín chỉ carbon quốc tế đang dừng lại. Trong khi đó, các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia hay Singapore đều đã đi trước một bước. Đặc biệt, Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu và đã có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy thị trường này phát triển.

Theo PGS TS Nguyễn Đình Thọ, chính vì những hạn chế về nguồn nhân lực, năng lực tiếp nhận tài chính, công nghệ và khả năng quản lý thị trường, Việt Nam hiện chưa thể vận hành thị trường tín chỉ carbonmột cách độc lập.
Cơ chế chia sẻ công cụ
Đánh giá thị trường tín chỉ carbon, từ quy mô thị trường, cách thức vận hành đến các quy trình đo lường, báo cáo và xác nhận là một hệ thống phức tạp, PGS TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần có sự tiếp sức từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội hay các viện nghiên cứu để có thể xây dựng được các nền tảng chung như website, phần mềm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận.
Chẳng hạn như các công cụ MRV (đo lường, báo cáo và xác minh) có chi phí rất lớn nên chỉ có các doanh nghiệp lớn mới đủ nguồn lực chi trả, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không thể tiếp cận. Do vậy, cần có cơ chế chia sẻ công cụ: từ phần mềm đo lường - báo cáo - xác minh đến hệ thống đào tạo, truyền thông, phổ biến thông tin để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về thị trường tín chỉ carbon.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Linh cho rằng, để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, xác định rõ hướng đi tạo sự ổn định, thu hút đầu tư dài hạn. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hướng dẫn cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý, giám sát và quyền sở hữu tín chỉ carbon.
Đồng thời đầu tư vào năng lực công nghệ và hệ thống MRV đạt chuẩn quốc tế; nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Đặc biệt, huy động tài chính xanh thông qua các cơ chế sáng tạo và tăng cường hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao.