Du lịch

Du lịch Hà Nội cần đột phá

Minh Châu 26/07/2025 03:19

Tháng 7/2025, Hà Nội đón hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch – mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành du lịch Thủ đô vẫn cần bứt tốc về chất lượng sản phẩm và chiến lược điểm đến.

Sức hút không suy giảm

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 7/2025 ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt khoảng 553,19 nghìn lượt, tăng mạnh 25,2%, với 390 nghìn lượt khách có lưu trú – dấu hiệu cho thấy Hà Nội tiếp tục là điểm đến thu hút khách dài ngày, thay vì chỉ dừng ở mức tham quan ngắn hạn.

du-lich-hn-1676776025891778310877.jpeg
Hà Nội tiếp tục là điểm đến thu hút khách dài ngày.

Tổng thu từ khách du lịch trong tháng 7 đạt 10,68 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với tháng 7/2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy mức chi tiêu trung bình của du khách đang có xu hướng cải thiện, nhất là ở nhóm khách quốc tế. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt gần 57%, phản ánh nhu cầu lưu trú tại Hà Nội trong mùa cao điểm vẫn duy trì ở mức ổn định.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã đón khoảng 18,36 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,21 triệu lượt khách quốc tế, lần lượt tăng 11,6% và 22,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng doanh thu du lịch toàn thành phố đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% – cho thấy sự hồi phục rõ nét và bước tiến về hiệu quả kinh tế từ du lịch.

Điểm đáng ghi nhận là hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Hiện Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú với 71.256 phòng, trong đó 85 khách sạn – khu căn hộ đạt hạng từ 1 đến 5 sao. Ngoài ra, thành phố có 58 cơ sở dịch vụ được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trải đều ở các nhóm: ăn uống (25 cơ sở), mua sắm (22 cơ sở), vui chơi giải trí (9 cơ sở). Những địa chỉ này đang đóng vai trò điểm hút lưu lượng lớn khách du lịch và người dân trong mùa cao điểm.

Định hướng mới

Dù kết quả tăng trưởng là tín hiệu tích cực, nhưng ngành du lịch Hà Nội không dừng lại ở những con số. Theo bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8 và các tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung cho hàng loạt hoạt động chiến lược, không chỉ hướng đến kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mà còn đặt nền móng cho một chu kỳ phát triển sản phẩm và thị trường dài hạn hơn.

Cụ thể, Sở sẽ tham mưu tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý, xây dựng điểm đến du lịch năm 2025, đồng thời tổ chức đoàn công tác tham gia Triển lãm Osaka Expo và xúc tiến du lịch tại Nagoya (Nhật Bản) – những thị trường quan trọng của khách quốc tế có lưu trú dài ngày. Trong tháng tới, Hà Nội cũng sẽ tham gia Hội chợ ITB India và chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại Ấn Độ – hai hoạt động có ý nghĩa chiến lược trong việc mở rộng thị trường Nam Á.

Về sản phẩm, điểm nhấn được đặt vào chuỗi du lịch mới theo chủ đề “Du lịch Hà Nội – Tinh hoa hội tụ 2025”, bao gồm các dòng sản phẩm đang được thị trường quan tâm: du lịch đêm, du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch golf, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số… Đây là hướng đi quan trọng để phân hóa sản phẩm du lịch theo nhu cầu mới, đồng thời tăng tỷ lệ chi tiêu và lưu trú dài ngày của khách quốc tế.

Du lich
Hà Nội đang có dư địa lớn để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hà Nội đang có dư địa lớn để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nhưng cần một hệ sinh thái đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia chuỗi giá trị du lịch.

Theo đó, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh, cùng với xúc tiến thị trường, Hà Nội sẽ chú trọng nâng cao chất lượng điểm đến và sự phối hợp đa ngành, đặc biệt trong phát triển sản phẩm mới gắn với trải nghiệm, tiêu dùng văn hóa và giá trị bản địa. Mỗi điểm đến phải mang lại cho du khách một câu chuyện, một cảm xúc và lý do để quay lại.

Tăng trưởng về số lượng khách và doanh thu đang tạo đà cho du lịch Hà Nội bứt phá, nhưng thách thức về sản phẩm, trải nghiệm và sức bật từ cộng đồng vẫn còn hiện hữu.

Chỉ khi nào du lịch Thủ đô không còn phụ thuộc vào mùa vụ hay lễ hội, mà có thể trở thành điểm đến quanh năm với bản sắc riêng và chuỗi dịch vụ đồng bộ, lúc đó, Hà Nội mới thực sự trở thành trung tâm du lịch xứng tầm quốc tế.

Minh Châu