Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo
Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với Vịnh Hạ Long kỳ vĩ mà còn sở hữu những cánh rừng nguyên sơ, ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ và tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo.
Từ doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái rừng…
Đảo Đá Dựng, thuộc xã Đầm Hà nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây được ví như "nàng công chúa ngủ quên" của vịnh Bái Tử Long, thu hút du khách bởi những khối đá vôi sừng sững, bãi biển cát trắng mịn và rừng ngập mặn nguyên sinh.
.jpg)
Khác biệt của đảo Đá Dựng là có sự kết hợp hài hòa giữa núi đá vôi và bãi biển, có rừng ngập mặn nguyên sinh, đa dạng các loài động thực vật biển, vị trí địa lý gần các điểm du lịch đảo Cái Chiên, vườn cò Làng Ruộng… Đặc biệt hệ sinh thái rừng trên cạn, dưới nước của Đá Dựng phong phú, còn lưu lại diện tích rừng tự nhiên đa tầng tán, diện tích rừng trồng có quy hoạch hàng lối, tiếp giáp với những vạt rừng ngập mặn.
Ông Phạm Thế Mỹ, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên cho biết: Từ những lợi thế về sinh cảnh rừng, những tuyến đường lâm nghiệp, đường mòn tuần tra, bảo vệ rừng, Công ty đã sớm nghiên cứu và đề xuất phương án khả thi đầu tư dự án du lịch trong rừng, gắn với rừng, lấy rừng làm chủ đạo. Đơn vị đã được UBND phê duyệt dự án du lịch sinh thái đảo Đá Dựng với tổng diện tích trên 66ha, bao gồm phần diện tích đất liền, rừng và mặt nước, trong đó có 38ha rừng tự nhiên.
Ông Mỹ cho biết thêm: “Chúng tôi thiết kế những căn bungalow với diện tích nhỏ và kiến trúc đơn giản nằm nép dưới những tán cây trong rừng và bám các tuyến đường tuần tra rừng có sẵn. Những hạ tầng khác như đường đi lối lại, view ngắm cảnh, bể bơi, khu dịch vụ, khu sân vườn, khu cầu tàu... đều được thiết kế hoà hợp với thiên nhiên. Và một nguyên tắc nhất quán là diện tích, vị trí xây dựng những công trình trên phải phù hợp quy hoạch và đúng loại đất dành cho các mục đích sử dụng để xây dựng. Trong quá trình xây dựng không xâm hại đến cây rừng. Riêng diện tích rừng, chúng tôi tuân thủ có 5% để xây dựng và xây dựng đúng vị trí quy hoạch, thiết kế cho phép, diện tích rừng còn lại đảm bảo không can thiệp, không chuyển đổi mục đích…”
Điều đáng nói trong kế hoạch vận hành của khu du lịch sinh thái đảo Đá Dựng, đơn vị chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên dành sự quan tâm lớn công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm giàu rừng và tạo thêm sinh cảnh rừng ở những vị trí rừng phù hợp. Doanh nghiệp này đang tiếp tục đề xuất tỉnh và các đơn vị chức năng thuê thêm đất rừng để mở rộng quy mô du lịch, làm gia tăng giá trị của rừng đồng thời tạo sức hút du khách đến với đảo Đá Dựng - Điểm du lịch cấp tỉnh mới của tỉnh Quảng Ninh.
.jpg)
...đến du lịch sinh thái rừng "tỉnh giấc"
Từ quan điểm và cách làm du lịch sinh thái rừng của Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên được cho là gợi ý tốt cho các dự án du lịch rừng đang được quan tâm, nghiên cứu để triển khai hiện nay. Cụ thể, hiện nay, ngoài dự án du lịch sinh thái đảo Đá Dựng của Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên còn có một số dự án du lịch gắn với rừng quy mô nhỏ đã đưa vào triển khai và phục vụ du khách, tạo được ấn tượng trải nghiệm tốt đối với du khách.
Mới đây nhất, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án du lịch sinh thái rừng phòng hộ miền Đông, là cơ sở quan trọng để những vị trí rừng phòng hộ tươi đẹp ở đây được lập quy hoạch chi tiết, xúc tiến mời gọi đầu tư, hình thành những dự án du lịch rừng cụ thể và điển hình.
Bên cạnh đó, cùng với rừng trên đảo Đá Dựng, các khu rừng Yên Tử, Quảng Nam Châu, Trúc Bài Sơn, Đồng Sơn - Kỳ Thượng, rừng cảnh quan môi trường Hạ Long, rừng núi đá vịnh Hạ Long, cánh rừng thuần loài lát hoa ở Bình Liêu, rừng châm Minh Châu, rừng chõi Cô Tô, rừng tự nhiên tại các tuyến đảo và rừng dọc tuyến đường biên giới… cũng sẽ là những vị trí rừng thuận lợi để quy hoạch phát triển các dự án du lịch sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái, giai đoạn 2025-2030. Đây là đề án du lịch sinh thái rừng đầu tiên trên toàn tỉnh, mở ra một hướng phát triển kinh tế rừng rất giàu tiềm năng của Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh: Theo Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái, giai đoạn 2025- 2030, dự kiến sẽ hình thành 4 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dựa trên các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, tuyến đường mòn hiện có và có 19 điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Nét mới của đề án du lịch rừng này là nhà đầu tư có 5% diện tích rừng được phép tạo các điểm dừng nghỉ, chòi quan sát, chốt bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, nhà vệ sinh, lều trú chân, điểm cắm trại, biển chỉ dẫn hoặc tuyên truyền… Đây là cơ sở để hình thành công trình xây dựng phục vụ du khách, trên cơ sở không làm giảm chức năng về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: thuận đầu tiên để triển khai đề án du lịch sinh thái rừng Móng Cái là 1.682ha rừng nằm hoàn toàn trong phạm vi rừng phòng hộ, vốn công tác quản lý trước đó cũng như sau này đều chặt chẽ và nhất quán. Cùng với đó cảnh quan rừng Móng Cái phong phú, tươi đẹp, có rừng trên cạn, rừng ngập mặn, rừng dọc đường biên giới, rừng bao quanh hồ Trúc Bài Sơn, rừng quanh đảo… Đặc biệt vốn rừng ngập mặn của Móng Cái thuộc loại rất đẹp ở miền Bắc, với những dải rừng dài rộng, cây rừng phát triển đều và nhiều năm tuổi.
.jpg)
Hiện nay, ngay sau khi đề án được phê duyệt, các đơn vị chức năng TP Móng Cái xúc tiến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, hiện thực hoá 4 tuyến, 19 điểm du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ theo như quy hoạch. Mục tiêu thu hút được 12-19 nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch tại rừng phòng hộ Móng Cái.
Với Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái, giai đoạn 2025-2030, TP Móng Cái kỳ vọng phấn đấu đến năm 2030 và các năm tiếp theo, lượng khách tham quan hằng năm đạt từ 100.000-150.000 lượt tại các điểm và tuyến du lịch trong rừng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10%; doanh thu từ du lịch rừng đạt từ 80-100 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 300 người dân địa phương, trong đó 100 lao động trực tiếp và 200 lao động gián tiếp, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm; góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Bá Hà - Phó Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định: Mặc dù nhiều dư địa, tuy nhiên du lịch rừng phải được phát triển theo hướng chọn lọc về loại hình du lịch, về vị trí, khu vực triển khai, về nhà đầu tư có năng lực và về đối tượng khách muốn thu hút khám phá, trải nghiệm và thụ hưởng du lịch rừng. Trên hết, các đơn vị quản lý và nhà đầu tư phải xây dựng được phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng được đề án phát triển du lịch rừng, lấy đây là căn cứ cốt lõi để thu hút nhà đầu tư, đưa dòng vốn xã hội hoá vào khai thác vốn rừng bền vững và giá trị cao”.