Đền ơn đáp nghĩa - Mệnh lệnh từ trái tim của cả dân tộc
Công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt 250 người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hiến dâng tuổi thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời mình để bảo vệ Tổ quốc. Máu đào của hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã thấm vào từng tấc đất quê hương, làm nên nền độc lập, tự do hôm nay. Hàng triệu người khác trở về mang trên mình những vết thương chiến tranh, phải chịu đựng di chứng chất độc hóa học, hoặc chứng kiến con cháu sinh ra với nhiều thiệt thòi không gì bù đắp nổi.
Những con số thống kê mang tính biểu tượng: hơn 9,2 triệu người có công đang được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi. Nhưng phía sau đó vẫn còn đó những nỗi đau chưa nguôi: hàng vạn phần mộ chưa được xác định danh tính, những người mẹ, người vợ vẫn ngày ngày ngóng trông tin tức người thân. Đó là lý do để cả hệ thống chính trị tiếp tục kiên trì, kiên quyết làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: chăm lo cho người có công không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là bổn phận lâu dài của toàn xã hội. Ông yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 42-NQ/TW về đổi mới chính sách xã hội. Đây là nền tảng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế ưu đãi, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người có công, đồng thời bảo đảm các thủ tục hành chính minh bạch, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.
Một trong những nội dung trọng tâm được nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt này là đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng ứng dụng khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế. Song song với đó là tập trung nguồn lực tôn tạo nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ, cải thiện nhà ở và nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách.
Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 1 năm triển khai, chúng ta đã cập nhật và chuẩn hoá hơn 300.000 thông tin liệt sĩ và thân nhân chưa xác định danh tính, đạt 42,3% tổng số cần thu thập. Đồng thời, gần 60.000 mẫu ADN đã được thu nhận, trong đó hơn 11.000 mẫu đã hoàn thành phân tích và cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước. Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Người có công xác định được 16 trường hợp liệt sĩ nhờ đối sánh ADN.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng biết bao gia đình vẫn khao khát, mong mỏi thông tin về phần mộ người thân để đón về an táng ở quê hương. Trong khi đó, thời gian ngày càng trôi đi, điều kiện môi trường khắc nghiệt càng gây khó khăn, thách thức cho công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ. Nếu không làm nhanh thì thân nhân của các liệt sĩ cũng sẽ ra đi mà chưa kịp biết thông tin. Chúng ta không có cách nào khác là phải chạy đua với thời gian.
Đây cũng là lời hiệu triệu đối với toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội: phải tăng tốc, bứt phá, thần tốc hơn nữa trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước đang đầu tư mạnh mẽ về khoa học công nghệ, công sức, trí tuệ và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng này. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tăng cường tiếp cận đến từng hộ gia đình thân nhân liệt sĩ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phải gặp gỡ, thu thập từng tài liệu nhỏ nhất, tiếp cận nhân chứng… Tất cả phải hành động với tấm lòng nhân văn cao cả, với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", chạy đua với thời gian để đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.
Tri ân bằng hành động thiết thực, lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Cả Tổng Bí thư và Thủ tướng đều nhấn mạnh, bên cạnh ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa và huy động nguồn lực cộng đồng, doanh nghiệp là giải pháp quan trọng. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ một đất nước hòa bình, ổn định chính là nhờ công sức hy sinh của bao thế hệ cha anh. Vì vậy, đồng hành và đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hay các chương trình an sinh xã hội không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, mà còn là sự tri ân thiết thực.
Tuy nhiên, những hỗ trợ vật chất và chính sách ưu đãi dù quan trọng cũng không thể thay thế giá trị tinh thần. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Hậu phương quân đội”, “Hậu phương công an”, tạo điều kiện để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ phát huy ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội.
Một điểm nhấn khác là công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những buổi gặp gỡ, những câu chuyện của nhân chứng lịch sử chính là bài học sống động để thanh thiếu niên hiểu rằng độc lập, tự do không tự nhiên có, mà được đánh đổi bằng máu xương. Từ đó, lớp trẻ sẽ sống trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và đất nước.
Thực tế cho thấy, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành, đối tượng thụ hưởng mở rộng, mức hỗ trợ tăng dần theo thời gian. Nhưng vẫn còn những trường hợp chính sách chưa “chạm” đến đúng, đến đủ hoặc còn chậm trễ. Việc giám sát chặt chẽ, nắm bắt tâm tư người có công để kịp thời tháo gỡ vướng mắc là yêu cầu cấp thiết.
Công tác đền ơn đáp nghĩa cũng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là bổn phận của mỗi người dân. Mỗi việc làm nhỏ, từ một nén hương ở nghĩa trang liệt sĩ, một tấm lòng hỗ trợ gia đình chính sách, đều góp phần làm cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thấm sâu trong đời sống xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân ý nghĩa nhất đối với những người đã ngã xuống và cả những người còn sống. Đó là khi Việt Nam hiện diện trên bản đồ thế giới với một nền kinh tế mạnh, xã hội văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đúng như khát vọng của bao thế hệ cha anh.
Những người có công với cách mạng chính là nguồn lực tinh thần vô giá. Họ không chỉ làm nên lịch sử, mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Chăm lo cho họ, tri ân họ chính là chăm lo cho sức mạnh nội sinh của quốc gia, một mệnh lệnh không thể chậm trễ và không thể lơi lỏng.
Hơn 78 năm qua, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Và chắc chắn, truyền thống đó sẽ tiếp tục được gìn giữ, bồi đắp để những người có công với cách mạng, tài sản quý báu của dân tộc, luôn được sống trong vòng tay yêu thương, trân trọng của cả cộng đồng.