Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng thủ tục để giải cứu thanh long, hồ tiêu xuất khẩu
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6931 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin về ngành hàng thanh long, hồ tiêu xuất khẩu "kêu cứu".
Hơn 20 ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với một “cơn bão” thực sự khi hàng loạt lô hàng bị ách tắc tại các kho lạnh vì thiếu giấy tờ đạt chuẩn Liên minh châu Âu (EU). Những mặt hàng chủ lực như thanh long, hồ tiêu, ớt, đậu bắp… không thể xuất khẩu đúng tiến độ, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và đẩy nguy cơ mất thị trường vào tay đối thủ.

Tại tỉnh Bình Thuận cũ (nay thuộc Lâm Đồng), hàng trăm tấn thanh long bị tồn kho dài ngày, nhiều lô bắt đầu hư hỏng, bốc mùi. Theo Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận, đã có hơn 100 tấn bị thiệt hại, còn khoảng 50-70 tấn đang chờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để xuất khẩu. Các doanh nghiệp không dám thu mua, trong khi nông dân lo lắng vì sản xuất không biết tiêu thụ ra sao.
Thị trường EU, vốn tiêu thụ thanh long Việt Nam với giá cao và ổn định, đã lên tiếng cảnh báo sẽ chuyển sang nguồn cung khác nếu Việt Nam không đảm bảo tiến độ. Không chỉ thanh long, ngành hồ tiêu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, khoảng 250 tấn hàng gia vị, trị giá 2,4 triệu USD đang “nằm chết” vì chưa được cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy định EU.
Trước tình hình cấp bách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho nông sản xuất khẩu.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải khẩn trương ban hành, hướng dẫn đầy đủ quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận phù hợp với yêu cầu của EU. Bộ cũng cần chủ động phối hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hàng hóa được xuất khẩu kịp thời, tránh tồn đọng gây lãng phí và ảnh hưởng uy tín quốc tế.
Về phía địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai ngay các nhiệm vụ theo Thông tư số 12/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Điều này bao gồm việc tiếp nhận, phân cấp và thực thi đầy đủ trách nhiệm trong việc cấp phép, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu.
Sự việc hàng trăm tấn thanh long và hồ tiêu bị “kẹt” chỉ vì thiếu giấy tờ cho thấy rõ một vấn đề: chính sách phân cấp là đúng đắn, nhưng khâu chuyển tiếp và phối hợp còn chậm. Khi doanh nghiệp và nông dân phải chịu thiệt hại từng ngày, yêu cầu đặt ra là các cơ quan chức năng phải chủ động, linh hoạt và trách nhiệm hơn.
Đây cũng là bài học về việc đảm bảo tính thông suốt trong thực thi chính sách. EU là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhưng cũng mang lại giá trị gia tăng lớn. Việc để mất uy tín sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Philippines, Peru… chiếm lĩnh thị trường, gây khó khăn lâu dài cho ngành hàng nông sản Việt.
Về lâu dài, Việt Nam cần chuẩn hóa đồng bộ quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đẩy mạnh số hóa dữ liệu và tăng cường năng lực kiểm tra, chứng nhận ở cấp địa phương. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không phải phụ thuộc vào từng văn bản hay từng con dấu, giảm rủi ro ách tắc.
Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra yêu cầu không để tái diễn tình trạng tương tự. Bởi mỗi ngày chậm trễ không chỉ là con số thiệt hại kinh tế, mà còn là nguy cơ đánh mất thị trường, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để cứu ngành hàng khỏi tình trạng đình trệ. Hiệp hội cảnh báo, nếu tình hình kéo dài, doanh nghiệp sẽ không dám thu mua, còn nông dân thì đứng trước nguy cơ sản xuất không tiêu thụ được.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU) – nơi đang tiêu thụ thanh long Việt Nam với giá tốt và ổn định – đã lên tiếng cảnh báo sẽ chuyển sang nhà cung cấp khác nếu Việt Nam không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Không chỉ thanh long, ngành hồ tiêu cũng rơi vào tình trạng đáng báo động. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, hiện có khoảng 250 tấn hàng gia vị trị giá 2,4 triệu USD đang bị “mắc kẹt” vì chưa được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định của EU. Hiệp hội cho biết, nếu chậm thêm nữa, thiệt hại tài chính đối với doanh nghiệp sẽ là rất lớn.