Huấn luyện viên khởi nghiệp bước đệm vững chắc cho hành trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành long trọng tổ chức khoá đào tạo tập trung nâng cao năng lực chuyên sâu cho Huấn luyện viên Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo.
Chương trình đào tạo thuộc khuôn khổ nhiệm vụ mang mã số 844.NV02.NTTU.02-25 của đề án quốc gia về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Chương trình ra đời nhằm giúp các học viên xác định rõ chân dung, giá trị cốt lõi, định vị bản thân như là một người huấn luyện viên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Định hướng tầm nhìn, mục tiêu, thuận lợi, rào cản và chiến lược cùng kế hoạch hành động cụ thể để đạt mục tiêu trở thành một huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dựng nền tảng tư duy, kỹ năng, công cụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng trong việc xây dựng chương trình huấn luyện viên giúp học viên thích ứng với thay đổi, không ngừng đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu cá nhân và công việc.
Trong thời gian tham dự lớp huấn luyện, các học viên sẽ được cung cấp kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển giao quy trình ươm tạo dự án và các kỹ năng trong việc quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp. Ngoài ra, học viên còn được giới thiệu các mô hình hoạt động của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Phát biểu tại Kết nối vai trò của huấn luyện viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, chúng ta cần đầu tư đúng mức đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo tại cơ sở giáo dục, bởi không có người dẫn dắt có đủ tâm và tầm thì các ý tưởng, dự án chỉ là ước mơ chưa định hình và dễ dàng rơi vào lối mòn, mất phương hướng.

Theo TS. Trần Ái Cầm, tại Việt Nam, đặc biệt là trong môi trường học thuật, đội ngũ này vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nhiều huấn luyện viên trong trường vẫn mang tính kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có khung năng lực chuẩn mực hay lộ trình nghề nghiệp rõ ràng. Thậm chí, trong nhiều chính sách quốc gia, chức danh "huấn luyện viên khởi nghiệp trong trường đại học" vẫn chưa được nhắc đến hoặc công nhận chính thức.
Với niềm tin vào sức mạnh của tri thức, của cộng đồng và của tinh thần sáng tạo Việt Nam, tôi hy vọng Hội nghị: Kết nối vai trò của huấn luyện viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức sẽ là những viên gạch đầu tiên để hình thành một mạng lưới huấn luyện viên đổi mới sáng tạo – do chính Việt Nam đào tạo, phát triển và làm chủ, TS. Trần Ái Cầm chia sẻ.
Coaching không chỉ là công cụ cá nhân mà còn là cầu nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần xây dựng một Việt Nam đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu này cung cấp hướng dẫn thực tiễn cho giảng viên và nhà quản lý trong việc tích hợp Coaching vào đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, ThS. Huỳnh Hồng Mai nhấn mạnh.
Theo ThS. Huỳnh Hồng Mai chia sẻ Coach giúp các nhà khởi nghiệp trẻ vượt qua tư duy lối mòn, đánh giá ý tưởng một cách chiến lược, và hiện thực hóa các giải pháp đột phá. Trong bối cảnh Việt Nam, các trường đại học, và doanh nghiệp, coaching không chỉ là một kỹ năng mà còn là cầu nối để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Các học viên, với vai trò giảng viên, có trách nhiệm lan tỏa giá trị này, biến mỗi ý tưởng thành một ngọn lửa sáng tạo, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.

Ts Nguyễn Hữu Thi cho biết, người cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò hướng dẫn thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, và đặt câu hỏi giúp startup tự giải quyết vấn đề. Mối quan hệ của cố vấn đối với startup thường kéo dài 3-6 tháng. Nghiên cứu chỉ ra rằng startup có cố vấn đạt tỷ lệ thành công 33%, so với 10% ở nhóm không có cố vấn, và tỷ lệ sống sót trên 5 năm cao hơn đáng kể. Tuy nhiên tại Việt Nam đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp còn hạn chế về số lượng và chất lượng, với sự phân mảnh trong đào tạo và thiếu nghiên cứu chuyên sâu về năng lực. Điều này tạo ra nút thắt cổ chai, cản trở tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt khi số lượng startup và đầu tư tăng nhưng thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu.
Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia được thành lập trong khuôn khổ Đề án 844, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025. Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia hoạt động với sứ mệnh đào tạo, cố vấn, và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời xây dựng đội ngũ cố vấn địa phương và kết nối startup với nguồn lực, Ts Nguyễn Hữu Thi chia sẻ.
Ban tổ chức mong muốn các học viên khi tham gia khóa học sẽ chuyển giao các thông tin, kiến thức cập nhập về hoạt động khởi nghiệp, cách thức quản lý hoạt động khởi nghiệp, từ đó mở rộng mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp, kết nối và nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia.