Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới, đà tăng còn tiếp diễn?
Bất chấp những biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lập đỉnh mới trước tuần cao điểm báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần qua với những kỷ lục mới, khi chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng trong ngày thứ năm liên tiếp, tiến sát mốc 6.400 điểm – mức cao chưa từng thấy. Tâm lý lạc quan lan rộng nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của doanh nghiệp, tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại.
Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, hơn 80% công ty trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận vượt dự báo – tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2021. Dòng tiền đổ vào thị trường bất chấp cảnh báo về định giá cao và sự trở lại của cơn sốt "meme stock" – những cổ phiếu nhỏ, biến động mạnh, được thổi phồng trên các diễn đàn như Reddit.
“Các nhà đầu tư có quan điểm tiêu cực có lẽ cảm thấy vài tuần qua như một thế kỷ,” Florian Ielpo của Lombard Odier nhận định.
Thị trường lạc quan dù nhiều rủi ro tiềm ẩn
Một số nhà phân tích ở Mỹ cho rằng đà tăng của thị trường chứng khoán vẫn có cơ sở, khi các lo ngại như tăng trưởng chậm lại hay lạm phát không còn quá nổi bật.
“Thị trường vẫn tiếp tục leo dốc khi các mối lo ngại chính chưa thành hiện thực,” Mark Hackett từ Nationwide nhận xét và nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư tổ chức từng đặt cược ngược xu hướng hiện nay phần lớn đã phải chấp nhận thua cuộc, nhưng mức định giá thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bong bóng.”
Chuyên gia Daniel Skelly của Morgan Stanley cảnh báo hai rủi ro lớn hiện nay là tâm lý chủ quan và nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO). Trong khi đó, Sam Nofzinger từ nền tảng giao dịch Public ghi nhận hoạt động nhà đầu tư cá nhân đang "bùng nổ" trở lại, đặc biệt là những giao dịch mang tính đầu cơ vào các cổ phiếu siêu nhỏ, bị đẩy giá bởi các cộng đồng trực tuyến.
Một số khách hàng của Goldman Sachs cũng bắt đầu đặt cược vào việc giá của các công ty công nghệ chưa có lợi nhuận sẽ điều chỉnh sau đợt tăng mạnh, theo Bloomberg.
Trong tuần tới, cao điểm mùa báo cáo tài chính sẽ bắt đầu với hơn 40% số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh, bao gồm những ông lớn như Apple, Amazon, Microsoft và Meta. Song song đó, thị trường sẽ theo dõi báo cáo việc làm, quyết định lãi suất từ Fed, và đặc biệt là hạn chót cho các thỏa thuận thương mại – dự kiến ngày 1 tháng 8.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ tới Scotland vào cuối tuần tới để gặp ông Trump, với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận thương mại trước hạn. Trước đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, và nhiều chuyên gia cho rằng một hiệp định với EU sẽ là yếu tố then chốt để duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Mark Haefele, chuyên gia của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tin rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới chính sách thương mại ôn hòa, và ngay cả khi có suy giảm do thuế quan, tác động sẽ nhẹ và ngắn hạn.

FED sẽ giữ nguyên hay giảm lãi suất?
Trong bối cảnh lạm phát vẫn trên mục tiêu và thị trường lao động gần mức toàn dụng, nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ chưa vội hạ lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Dù ông Trump kêu gọi Chủ tịch Powell giảm lãi suất trong cuộc gặp gần đây, các nhà kinh tế tại BNP Paribas và JPMorgan cho rằng khả năng Fed sẽ duy trì lập trường giữ nguyên lãi suất đến cuối năm, trừ khi có tín hiệu rõ ràng về sự suy yếu của kinh tế.
“Fed có thể chưa hành động ngay tuần tới, nhưng sẽ dùng cuộc họp báo để chuẩn bị tâm lý thị trường cho lần cắt giảm lãi suất vào tháng 9,” nhóm phân tích tại FHN Financial nhận định.
Dù từng trải qua tuần tồi tệ nhất trong tháng 7, USD đang trên đà khép lại tháng 7 mạnh mẽ nhất năm 2025. Ông Trump, trong một động thái trái ngược, vừa khẳng định sẽ không ủng hộ đồng USD yếu, đồng thời nhấn mạnh một đồng tiền thấp hơn sẽ giúp ngành sản xuất Mỹ.
Từ quan điểm kỹ thuật, Craig Johnson của Piper Sandler vẫn giữ thái độ tích cực, nhờ độ rộng thị trường cải thiện và hàng loạt chỉ số đạt đỉnh mới.
Theo các nhà phân tích ở Mỹ, thị trường đang trong giai đoạn “thử thách niềm tin” – giữa một bên là dữ liệu vĩ mô tích cực và kỳ vọng chính sách hỗ trợ, còn bên kia là nỗi lo về bong bóng tài sản. Dù vậy, những biến động có thể xảy ra trước thông tin mới nhất về lợi nhuận doanh nghiệp, kết quả đàm phán thương mại quốc tế và tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp tới.