Chuyển sang xe điện, làm nhu cầu điện tăng vọt nhưng lợi ích lớn
Khi số lượng xe điện tăng thì nhu cầu về điện cho sạc pin cũng tăng mạnh, gây áp lực lên sản xuất và cung ứng điện.Tuy nhiên, chuyển đổi thành công sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Gần 300 tỷ USD đầu tư nguồn điện
Ngân hàng Thế giới cho biết, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông đường bộ, là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông. Tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 85% tổng phát thải khí nhà kính, của toàn ngành giao thông vận tải. Trong số các phương tiện giao thông đường bộ, xe tải các loại đóng góp khoảng 54%, xe máy đóng góp 28%, xe buýt và xe khách liên tỉnh đóng góp 11%, ô tô con đóng góp 6% và xe buýt đô thị đóng góp khoảng 1% lượng phát thải.

Để góp phần đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, điện khí hóa phương tiện vận tải đường bộ là chiến lược quan trọng trong Chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, khi số lượng xe điện tăng thì nhu cầu về điện cho sạc pin cũng tăng mạnh, gây áp lực lên sản xuất và cung ứng điện.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, từ nay tới năm 2035 sẽ không tạo ra bất kỳ nhu cầu đáng kể nào đối với việc bổ sung công suất điện theo Quy hoạch điện 8 đã được Chính phủ phê duyệt. Bởi vì giai đoạn này chủ yếu là chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện, sử dụng pin nhỏ và thường di chuyển trên quãng đường ngắn. Nhu cầu điện gia tăng trong giai đoạn này có thể được đáp ứng tương đối dễ dàng. Nhưng từ năm 2035 trở đi, nhu cầu điện bổ sung cho sạc xe điện sẽ tăng vọt, do sự tăng nhanh của ô tô điện các loại, trong đó có ô tô tải.
Tổng mức đầu tư bổ sung cần thiết để tăng sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu sạc xe điện giai đoạn 2024 - 2030 cần từ 6-9 tỷ USD, giai đoạn 2031 - 2040 cần khoảng 59 tỷ USD và giai đoạn 2041 - 2050 sẽ cần khoảng 200 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi ích lớn khi chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là giảm tiêu thụ xăng và dầu diesel. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.
Lợi ích rất lớn
Ngân hàng Thế giới ước tính, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn từ việc giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, do quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện. Cụ thể sẽ giảm tiêu thụ từ 168,907 triệu lít xăng và 361,823 triệu lít dầu diesel (kịch bản thấp), đến 306.401 triệu lít xăng và 409.416 triệu lít dầu diesel (kịch bản cao), so với không có xe điện. Với giá dầu thế giới khoảng 80 USD/thùng thì tổng chi phí tiết kiệm được từ 300 - 500 tỷ USD. Qua đó, giúp giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu dầu mỏ và nâng cao an ninh năng lượng của đất nước.

Hơn nữa, chuyển sang xe điện còn làm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 60-66% vào năm 2050. Hiện ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn đã vượt quá ngưỡng an toàn. Dự báo có thể dẫn đến 60.000 ca tử vong mỗi năm. Giao thông vận tải là lĩnh vực đóng góp quan trọng cho nguy cơ đó. Chẳng hạn tại Hà Nội, giao thông vận tải đóng góp khoảng một phần tư ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Thay thế xe động cơ đốt trong bằng xe điện sẽ giúp giảm ô nhiễm đáng kể. Qua đó giảm tổn hại khoảng 30 triệu USD vào năm 2030 và lên đến 6,4 tỷ USD vào năm 2050.
Tiếp đến là tạo ra nhiều việc làm mới. Diễn biến tại thị trường trong nước dự kiến sẽ dẫn đến tăng trưởng đáng kể trong toàn bộ chuỗi giá trị xe điện, bao gồm sản xuất xe và pin cũng như hạ tầng sạc. Tiếp đến là bảo trì và thu hồi, tái chế xe điện, mở ra thị trường lao động cho các vị trí việc làm mới. Việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo đến năm 2050 có thể lên đến 6,5 triệu trong toàn bộ chuỗi giá trị xe điện, nhất là trong hạ tầng sạc xe điện.
Chuyển sang sử dụng xe điện, sẽ làm thay đổi cơ cấu sâu rộng trên thị trường phương tiện giao thông của Việt Nam. Bao gồm chuyển đổi xu hướng đi lại và tiêu thụ năng lượng, tác động đến các bên liên quan và các phân khúc trong nền kinh tế. Vì vậy, hệ sinh thái xe điện cần được hình thành và xúc tiến trên nhiều mặt, đòi hỏi phải đẩy mạnh sản xuất và cung ứng xe điện, khuyến khích chuyển sang sử dụng xe điện, chuẩn bị cho ngành điện sẵn sàng và triển khai rộng mạng lưới sạc và thu hồi, tái chế.
Để đảm bảo chuyển đổi sang xe điện hiệu quả, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ, tạo ra môi trường phát huy được tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong những ngành, lĩnh vực liên quan. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi khu vực tư nhân phải đầu tư phần lớn để mở rộng quy mô chế tạo xe điện, thiết lập mạng lưới sạc và tái chế. Tất cả các phân khúc đều đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi.