Lời giải cho trung tâm tài chính quốc tế TP HCM
TP HCM đang trong tiến trình ráo riết chuẩn bị để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC) ngay trong năm 2025.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư sơ bộ của toàn bộ dự án dự kiến khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD).

Trong đó, giai đoạn đầu (2- 3 năm), riêng khu lõi cần khoảng 16.000 tỷ đồng triển khai, dự kiến sẽ gồm 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây trụ sở cơ quan nhà nước; phần còn lại dự kiến huy động từ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Bài toán huy động vốn khổng lồ này đặt ra nhiều thách thức về cơ chế, nguồn lực và điều kiện khả thi.
Những thách thức lớn
TS Nguyễn Hoàng Hiệp, chuyên gia kinh tế chỉ ra, thách thức thứ nhất là vấn đề về cân đối nguồn vốn ngân sách và tư nhân. Theo như kế hoạch, để hút vốn tư nhân lớn gấp nhiều lần vốn Nhà nước, điều này đòi hỏi một cơ chế hết sức cởi mở thông thoáng với các ưu đãi mới có thể thu hút nhà đầu tư. Câu hỏi các nhà đầu tư đặt ra sẽ là khi bỏ vốn xây trụ sở cơ quan quản lý, thì “đối ứng” lợi ích ngược lại, họ được gì?
Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn quan tâm và muốn rót vốn đầu tư. Thông tin sơ bộ ban đầu là Tập đoàn Trump muốn đề xuất dự án Trump Tower ở Khu đô thị Thủ Thiêm, hay mới đây, lãnh đạo Trung tâm Tài chính quốc tế Astana (Kazakhstan), với tòa tháp AIFC trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ hơn 80 quốc gia, cũng sẵn sàng hợp tác với IFC TP HCM.
Ông Renat Bekturov, Thống đốc AIFC cho biết, sẵn sàng hợp tác với TP HCM để thúc đẩy quá trình xây dựng IFC Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.
“Chúng ta thấy sức hút của IFC là không hề nhỏ. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy từ mong muốn, đề xuất, sẵn sàng hợp tác đến “chốt” các con số đầu tư, cần một thời gian đi kèm với nhiều yếu tố, thương thảo. Sẽ có rủi ro nếu có sự chậm trễ trong thu hút FDI hoặc thiếu cam kết mạnh từ các tập đoàn tài chính toàn cầu”, TS Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.
Ngoài ra, theo chuyên gia, còn có những thách thức lớn khác như chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các IFC hiện có đã có hệ sinh thái tài chính hoàn thiện, khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi rót vốn vào một IFC mới như TP HCM. Nhà đầu tư sẽ yêu cầu cao về chính sách ưu đãi, bao gồm thuế, pháp lý và thủ tục hành chính thông thoáng.
Cùng với đó, việc hạ tầng và công nghệ chưa đồng bộ, đi cùng là chưa thể có hệ thống thanh toán đa tiền tệ, kết nối tài chính xuyên biên giới ngay lập tức, cũng là những rào cản, cần có cam kết mạnh, lộ trình thực hiện rõ ràng.
Giải pháp hiện thực hóa
Đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) và phát hành trái phiếu, ưu tiên các dự án PPP trong xây dựng hạ tầng IFC, tạo cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp; phát hành trái phiếu quốc tế hoặc trái phiếu chính quyền TP HCM để huy động vốn từ thị trường vốn toàn cầu được kiến nghị là giải pháp quan trọng.
Chuyên gia Nguyễn Đăng Khoa - Đại học UEH Mêkong, Việt Nam cho rằng việc mở rộng siêu đô thị TP HCM, sẽ giúp hình thành các danh mục đầu tư rõ ràng, có thể thiết kế các gói trái phiếu đa mục tiêu (giao thông, xử lý nước, công nghiệp xanh). Tương tự như vậy, áp dụng phát hành trái phiếu có bảo lãnh Nhà nước giúp tăng điều kiện thành công huy động vốn, giảm rủi ro tín dụng, qua đó giảm lãi suất khi phát hành trái phiếu. Đây cũng là cơ chế để “xã hội hóa” nguồn vốn cho IFC hiệu quả.
Theo Nghị quyết thành lập IFC ở TP HCM và Đà Nẵng của Quốc hội, các dự án đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế thuộc lĩnh vực ưu tiên được giao, cho thuê đất tối đa 70 năm, dự án thuộc lĩnh vực khác thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm. Dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực ưu tiên được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Với dự án không thuộc lĩnh vực ưu tiên, mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 15% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright nhấn mạnh để đáp ứng bài toán hút vốn đầu vào, cần lưu ý việc tạo lập đầu ra. Mục tiêu IFC lập ra gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đó là nhu cầu về vốn, nhu cầu lan tỏa, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cung ứng các dịch vụ tài chính mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn. Do đó, cần phải chú trọng việc tạo lập các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp. Các ưu đãi thu hút vốn cần gắn với cam kết của nhà đầu tư trong việc tạo ra các dịch vụ tài chính mới gắn liền với đổi mới sáng tạo.
Có thể nói, với TP HCM, trong đặc thù và các lợi thế, định hướng hiện có, nếu xây dựng thành công, TP HCM có thể trở thành IFC lớn thứ 3 Đông Nam Á sau Singapore và Bangkok, đóng góp 10-15% GDP cả nước. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu chậm trễ, dự án có nguy cơ "treo vốn" do thiếu nhà đầu tư, hoặc chỉ dừng ở quy mô khu vực thay vì tầm quốc tế.
Bài toán 7 tỷ USD cho IFC TP HCM không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi tài chính toàn cầu. Để hiện thực hóa, Thành phố cần sự quyết tâm chính trị cao, cải cách mạnh mẽ về pháp lý và chiến lược thu hút vốn thông minh. Nếu làm được, IFC TP HCM sẽ không chỉ là dự án địa phương, mà là bước tăng tốc đột phá cho nền kinh tế trên đại lộ vươn mình.