Doanh nhân

“Ngọn lửa” từ người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế

Thu Hà - Nguyễn Chuẩn 27/07/2025 05:00

Những ngày này, khi cả nước hướng về kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, câu chuyện của những người lính trở về từ chiến trường viết tiếp những giấc mơ đời thường, giống như ngọn lửa truyền cảm hứng.

Cựu chiến binh Hoàng Phi Thường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần CCB Hải Dương (cũ), Thường trực Hội chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị toàn quốc, kiêm Chủ tịch Hội chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị TP. Hải Phòng hiện nay, là một ngọn lửa như vậy.

hpt1(1).jpg
Cựu chiến binh Hoàng Phi Thường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần CCB Hải Dương (cũ), Thường trực Hội chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị toàn quốc, kiêm Chủ tịch Hội chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị TP Hải Phòng.

Từ chiến trường khốc liệt, mang thương tật lên tới 81%, ông Thường trở về, viết tiếp giấc mơ của đồng đội bằng bản lĩnh kiên cường của một người lính. Hành trình của ông không chỉ là câu chuyện về người thương binh can trường, thành công trên con đường kinh doanh mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế, nơi ý chí không bao giờ lùi bước.

Cựu chiến binh Hoàng Phi Thường sinh ra trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Như bao thanh niên thời bấy giờ, ông mang trong mình lý tưởng giản dị nhưng cháy bỏng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ông chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Khi ấy, được cầm súng ra chiến trường, với chúng tôi là hạnh phúc. Chúng tôi chỉ mong hòa bình sớm trở lại, đất nước bình yên”. Chính khát vọng ấy đã dẫn dắt ông qua những ngày tháng ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị và cảng Cửa Việt. Dù bị thương nặng, vỡ bờ vai, sườn phải tan nát, ông vẫn xin trở lại đơn vị, tiếp tục chiến đấu. Năm 1973, trong trận đánh tại Cửa Việt, ông bị thương lần thứ hai, phải điều trị suốt hai năm. Những vết thương ấy, với tỷ lệ thương tật 81%, không làm ông gục ngã mà trở thành động lực để ông sống tiếp, cống hiến vì đồng đội và quê hương.

Khi chiến tranh khép lại, ông trở về với cuộc sống đời thường, mang theo lý tưởng không bao giờ đầu hàng khó khăn. Ông từ chối “ngồi yên ngắm thời cuộc” mà chọn con đường kinh doanh đầy thử thách. “Tôi nghĩ đơn giản, khi chiến tranh, tôi chiến đấu vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của hậu phương, trong đó có gia đình tôi. Khi làm doanh nghiệp, ngoài danh dự của một người lính, sau lưng tôi là các đồng đội và gia đình họ”, ông tâm sự. Với ông, thành công không chỉ là làm giàu cho bản thân mà còn là trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh, những người còn sống nhưng gặp khó khăn. Chính vì thế, ông quyết định nghỉ việc tại Chi cục Thuế Hải Dương, nơi ông được phân công sau khi tốt nghiệp Đại học Luật và học tập tại Liên Xô, để dấn thân vào thương trường.

Hành trình kinh doanh của người cựu chiến binh bắt đầu từ những bước đi khiêm tốn. Năm 1988, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ông thành lập Công ty Cổ phần CCB Hải Dương với chỉ ba công ty, xí nghiệp trực thuộc. Bằng sự kiên trì và bản lĩnh, ông đã đưa công ty phát triển mạnh mẽ, mở rộng lên 15 đơn vị thành viên. Theo chia sẻ của ông, công ty đạt doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 600 lao động, trong đó ưu tiên con em thương binh, liệt sĩ và bộ đội xuất ngũ. Những con số này không chỉ phản ánh thành công kinh tế mà còn thể hiện tâm huyết của ông trong việc hỗ trợ cộng đồng cựu chiến binh.

Điều khiến câu chuyện của ông Hoàng Phi Thường trở nên đặc biệt là tinh thần bất khuất. Ông khẳng định: “Danh dự của một người lính không cho phép tôi gục ngã”. Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong những thời khắc khó khăn nhất. Trên chiến trường, dù bị thương nặng, ông vẫn xin trở lại đơn vị. Trong kinh doanh, ông đối mặt với vô vàn thử thách, từ những ngày đầu thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm đến những biến động kinh tế. Nhưng với ông, mỗi khó khăn là một trận đánh mới, và ông luôn sẵn sàng đối đầu. “Sau lưng tôi là các đồng đội và gia đình họ. Tôi sống được đến hôm nay là nhờ những người đã hy sinh. Vì vậy, còn sức, tôi còn cống hiến”, ông nhấn mạnh.

hpt2(1).jpg
Công ty của ông đã trở thành điểm tựa cho nhiều cựu chiến binh và gia đình chính sách.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và doanh nghiệp, ông Thường còn trăn trở với việc hỗ trợ đồng đội và con em họ. Ông chia sẻ: “Nhiều đồng đội của tôi, dù anh dũng trên chiến trường, lại gặp khó khăn trong cuộc sống đời thường vì thiếu kinh nghiệm. Tôi muốn giúp họ, giúp con em họ có cuộc sống tốt hơn”. Công ty của ông đã trở thành điểm tựa cho nhiều cựu chiến binh và gia đình chính sách, tạo cơ hội việc làm và đào tạo nghề.

Theo báo cáo của Hội CCB Việt Nam, các doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ trên cả nước, trong đó có Công ty Cổ phần CCB Hải Dương (cũ), đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, với ưu tiên đặc biệt dành cho con em cựu chiến binh.

Có thể nói, hành trình của cựu chiến binh Hoàng Phi Thường cho thấy sự chuyển mình từ chiến binh trên chiến trường sang chiến binh trên mặt trận kinh tế. Trên thực tế, các doanh nghiệp cựu chiến binh không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn là “điểm tựa tinh thần vững chắc trong cộng đồng”. Họ không chỉ làm giàu mà còn lan tỏa tinh thần vượt khó, sáng tạo và trách nhiệm xã hội.

Câu chuyện của người thương binh - cựu chiến binh Hoàng Phi Thường là minh chứng sống động cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ một người lính mang thương tật nặng, ông đã trở thành doanh nhân thành đạt, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần xây dựng quê hương, hỗ trợ đồng đội. Hành trình của ông là bài học về ý chí, trách nhiệm và lòng tri ân. Như ông từng nói: “Tôi sống để thực hiện giấc mơ của những đồng đội đã nằm lại”. Với những đóng góp ấy, ông không chỉ là một doanh nhân mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất, luôn tiến về phía trước, dù trên chiến trường hay thương trường.

Thu Hà - Nguyễn Chuẩn