Kinh tế địa phương

Quảng Ngãi: Xây dựng các KKT, KCN theo hướng tổng hợp đa ngành

Thùy Linh 22/07/2025 01:16

Sau hợp nhất tỉnh, sự kết hợp lợi thế của 2 vùng trọng điểm kinh tế phía đông và phía tây tỉnh hứa hẹn tạo sức bật mới cho nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững.

Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN của tỉnh Quảng Ngãi đã và đang khẳng định vị thế trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Hạt nhân tăng trưởng kinh tế

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu kinh tế và KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc.

Một góc Khu Kinh tế Dung Quất.
Một góc Khu Kinh tế Dung Quất

Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 32 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án. Tổng vốn thu hút mới và điều chỉnh tăng thêm gần 6 tỷ USD.

Hiện tại, Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (cũ) có 349 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 18,5 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 12 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư lớn, trọng điểm có tính lan tỏa như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, 2; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP Quảng Ngãi II (giai đoạn 1) và các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu Kinh tế Dung Quất...

Ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, logistics. Giai đoạn 2020- 2025, đã có 56 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn khoảng 1.488 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN phía tây tỉnh có 96 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 2.473 tỷ đồng; tổng vốn thực hiện đầu tư trên 1.687 tỷ đồng. Trong đó, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y thu hút 52 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 933,48 tỷ đồng, hiện có 46 dự án đang hoạt động.

Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngày càng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngày càng được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm

Theo ông Lương Kim Sơn, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi, các khu kinh tế, KCN trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Trong đó, Khu Kinh tế Dung Quất giữ vững vai trò “đầu tàu”, là trung tâm sản xuất công nghiệp, hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực

Sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi mới có không gian địa lý rộng lớn, là lợi thế quan trọng để phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Để biến thế mạnh này thành động lực đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, Đảng bộ Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2025 - 2030 đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển các khu kinh tế, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Trong đó, tập trung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất trở thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, hậu cần sân bay, cảng biển, du lịch và dịch vụ. Xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành khu vực trung tâm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng gắn với cảng biển Dung Quất - cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Phát triển các khu đô thị có tiềm năng như đô thị Lý Sơn, đô thị Đông Nam Dung Quất.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Khu Kinh tế Dung Quất đang phát triển nhanh, được định hướng xây dựng, hình thành Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”).

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cũng như Ban Quản lý sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng kết nối, xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về thủ tục, tiếp cận đất đai để sớm triển khai thực hiện dự án đã được duyệt.

Ban Quản lý cũng tập trung triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình thực tiễn sau khi sáp nhập tỉnh.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư kinh doanh cảng biển, các ngành dịch vụ logistics, hình thành tuyến container quốc tế tại cảng Dung Quất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía nam của Lào đi các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ban Quản lý cũng tăng cường hỗ trợ các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030 như dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án điện tuabin khí hỗn hợp tại Khu Kinh tế Dung Quất; các dự án sản xuất các sản phẩm sau thép của Tập đoàn Hòa Phát... góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2025 - 2030, tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thu hút vốn đầu tư 3 - 4 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10 - 11%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 4 - 5%/năm. Thu ngân sách đạt khoảng 25.000 tỷ đồng/năm; phấn đấu đến năm 2030 giải quyết việc làm mới cho khoảng 20 nghìn lao động. Riêng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt gần 330 nghìn lượt hành khách, phương tiện. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

Thùy Linh