Triển vọng ngành điện: Năng lượng tái tạo đóng vai trò chủ đạo
Theo VCBS Research, với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 vẫn tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, cụ thể qua việc gia tăng công suất điện mặt trời và điện gió.

Đánh giá về triển vọng ngành điện, VCBS Research cho biết, về sản lượng điện năm 2025, theo kế hoạch vận hành thị trường điện, tổng sản lượng điện ước tính tăng trưởng khoảng 11,3% so với năm trước. Tuy nhiên, sản lượng toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ. Do đó, khả năng cao tăng trưởng sản lượng cả năm 2025 sẽ thấp hơn hai con số.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 5 - tháng 11/2025 xác suất 55-90% trạng thái trung tính sẽ duy trì ảnh hưởng. Với tính mùa vụ của thủy điện vào nửa cuối năm, sản lượng của nhóm này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
VCBS Research cho rằng, trong năm 2025, phụ tải đỉnh (Pmax) của hệ thống điện có thể lên tới 54,3GW và miền Bắc có thể lên tới 28,2 GW. Công suất khả dụng nguồn của miền Bắc khoảng 29GW. Do đó, đơn vị này đánh giá tình hình cung ứng điện tại khu vực phía Bắc sẽ rất căng thẳng trong tháng 6,7 và hạ nhiệt dần khi về cuối năm.
Về công suất tăng thêm trong giai đoạn 2025-2027, VCBS Research cho biết, đối với điện mặt trời, công suất tăng thêm trong giai đoạn 2025-2030 ước tính khoảng 54GW, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ khoảng 28GW. Nguồn điện tại khu vực Bắc Bộ có rủi ro không đáp ứng nhu cầu phụ tải vào thời điểm cao điểm cùng với việc các nguồn điện lớn tăng chậm, do đó việc triển khai điện mặt trời là một giải pháp phù hợp với ưu điểm thời gian triển khai nhanh.
Sau 2030, điện mặt trời tại khu vực Nam Bộ dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ khoảng 25GW với ưu thế bức xạ và số giờ nắng cao.
Đối với điện gió, công suất điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến tăng trưởng khoảng 16GW, phân bổ tương đối dàn trải từ Bắc Bộ đến Nam Bộ.
Đối với thủy điện, công suất tăng thêm trong giai đoạn 2025-2030 ước tính khoảng 2,1GW. Do hầu hết tiềm năng các thủy điện lớn đã khai thác hết nên các dự án thủy điện còn lại chỉ có quy mô vừa và nhỏ.
Đối với các dự án thủy điện tích năng (TĐTN), tổng công suất tăng thêm trong thời gian tới ước tính khoảng 3,6 GW. Đối với dự án TĐTN đầu tiên của Việt Nam là dự án TĐTN Bắc Ái dự kiến sẽ phát điện 4 tổ máy vào giai đoạn 2029-2030. Đầu tháng 2/2025, EVN đã khởi công giai đoạn 2 của dự án, tổng mức đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

VCBS Research đánh giá, với việc điều chỉnh gia tăng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện lên mức khoảng 10%/năm, nguồn điện phải là yếu tố được đầu tư tiên quyết. Với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, mục tiêu Net Zero vào 2050 vẫn tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, cụ thể qua việc gia tăng công suất điện mặt trời, và điện gió.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục khuyết điểm của điện mặt trời về tính ổn định, công suất pin lưu trữ đã được bổ sung với ràng buộc các dự án điện mặt trời phải đầu tư 10% công suất pin lưu trữ tương đương.
Liên quan đến các chính sách ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo, VCBS Research cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện Lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trong đó quy định rõ các ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới như sau:
Thứ nhất, miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 03 năm tính từ ngày khởi công xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm sau thời gian được miễn của thời gian xây dựng cơ bản.
Thứ hai, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 03 năm tính từ ngày khởi công xây dựng. Sau thời gian được miễn của thời gian xây dựng cơ bản, việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.
Thứ ba, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 70% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm, trừ trường hợp nhà đầu tư và bên mua điện có thỏa thuận khác. Đối với điện gió ngoài khơi, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 15 năm.
Thứ tư, dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên huy động vào giờ cao điểm của hệ thống điện theo quy định, trừ nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, VCBS Research cho rằng, các dự án năng lượng tái tạo sẽ nhận ưu đãi thuế theo điều 15 và 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP. Theo đó, các dự án điện sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và nhận được thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm.
Về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, theo Nghị định số 56/2025 NĐ-CP ban hành ngày 3/3/2025, các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, điện sinh khối nằm trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải tổ chức đấu thầu khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên.
“Với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh chúng tôi nhận thấy định hướng nhất quán về việc chuyển đổi xanh ngành điện, đạt Net Zero vào năm 2050. Do đó, dù kịch bản thấp hoặc cao, công suất của các loại hình năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đều có sự tăng trưởng vô cùng lớn”, VCBS Research nhận định.