Bên nào hưởng lợi trong thỏa thuận thuế quan với Mỹ?
Việc Mỹ đe dọa áp thuế đối với khối BRICS và các điều khoản về vận chuyển hàng hóa trong các thoả thuận thương mại có thể làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán.

Đến nay mới chỉ có một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Các nước khác vẫn phải chịu mức thuế quan đã được công bố hồi tháng 4, mặc dù thời hạn đàm phán đã được gia hạn thêm ba tuần, đến ngày 1/8.
Chi tiết về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Indonesia chưa được công bố, nhưng mức thuế đối ứng ban đầu 32% đã được giảm xuống còn 19% đối với hàng hóa Indonesia xuất khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Mỹ vào Indonesia sẽ không bị đánh thuế và Jakarta đồng ý mua một số lượng máy bay Boeing chưa được tiết lộ.
Philippines cũng đã đàm phán giảm nhẹ thuế quan từ 20% xuống 19%, kèm điều kiện Mỹ được miễn thuế khi vào Philippines, dù chưa rõ việc miễn thuế này áp dụng cho mọi mặt hàng hay chỉ riêng ngành ô tô.
Cần lưu ý rằng tất cả những thoả thuận đã công bố này đều còn rất lâu mới có thể đi đến chung cuộc. Đàm phán vẫn đang tiếp diễn để thống nhất chi tiết, và các điều khoản có thể còn điều chỉnh hoặc bổ sung.
Điều tương tự cũng đúng với những mức thuế đã đe dọa hoặc đã áp dụng đối với các sản phẩm then chốt như ô tô, thép, dược phẩm, điện tử, gỗ và đồng. Nếu một nước được hưởng mức thuế đối ứng thấp hơn, nhưng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại bị đánh thuế bổ sung từ 25–200%, thì chẳng có gì để ăn mừng.
Một yếu tố bất định khác là lời đe dọa của ông Trump áp thuế thêm 10% với các thành viên BRICS và những nước mà Mỹ coi là đứng về phía quan điểm “chống Mỹ” của khối này. Indonesia, thành viên BRICS hiển nhiên sẽ là nước đầu tiên trong khu vực hứng chịu. Tuy nhiên, tùy vào cách Mỹ định nghĩa, các nước khác trong khu vực cũng có thể bị áp thêm mức thuế 10% này.
Theo Stephen Olson, Nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, có lẽ vấn đề phức tạp nhất với Đông Nam Á sẽ là việc thực thi các điều khoản liên quan đến “hàng hóa trung chuyển”. Kể từ khi Mỹ bắt đầu nâng thuế trong nhiệm kỳ I của ông Trump, khu vực này bị lợi dụng làm nơi trung chuyển hàng Trung Quốc để né thuế Mỹ.
Tổng thống Trump khi nhậm chức nhiệm kỳ II đã kiên quyết chặn đứng các hành vi này. Các cuộc đàm phán về thuế đối ứng đã tạo ra cơ chế để Mỹ nêu vấn đề với các đối tác Đông Nam Á.
Ông Olson cho biết: "Một sự phân biệt quan trọng cần được làm rõ. Một số hình thức trung chuyển hàng hóa hoàn toàn hợp pháp và được phép theo quy tắc thương mại mà Mỹ không có cơ sở để khiếu nại trong những trường hợp đó. Nhưng cũng có những trường hợp không hiếm gặp khi việc trung chuyển hàng hóa là gian lận mà Mỹ, hay bất kỳ quốc gia nào coi trọng luật thương mại, có quyền đòi hỏi biện pháp xử lý".
Tuy nhiên, vẫn có một cách hoàn toàn hợp pháp để thực hiện điều có thể gọi là trung chuyển hàng hóa vào Mỹ. Nếu một sản phẩm từ Trung Quốc vào các nước ASEAN và được gia công đạt tiêu chuẩn, hoặc được dùng như một linh kiện trung gian trong một sản phẩm hoàn thiện lớn hơn theo quy tắc xuất xứ thì món hàng đó có thể không còn được coi là sản phẩm của Trung Quốc nữa.
Trong trường hợp đó, không có lý do gì để Mỹ áp thuế cao hơn so với sản phẩm dùng 100% nguyên liệu từ các nước ASEAN. Vậy ý định của chính quyền Trump là gì? Liệu thỏa thuận sẽ bao gồm một quy tắc xuất xứ phức tạp và nghiêm ngặt, để đánh giá sự khác biệt của các linh kiện từ Trung Quốc hay chỉ nhằm áp thuế cao hơn với những hàng hóa trung chuyển bất hợp pháp? Cho đến thời điểm hiện tại, chi tiết này vẫn còn rất mơ hồ.
Điều duy nhất có thể thấy rõ là việc thực thi các điều khoản này sẽ tạo ra nhiều phức tạp lớn cho những nước Đông Nam Á chấp nhận chúng. Khi mọi chuyện lắng xuống, những thỏa thuận thuế đối ứng này khó mang lại nhiều “chiến thắng” ở Đông Nam Á.
Mặc dù vậy, việc các thoả thuận thuế quan đang dần hình thành cho thấy Đông Nam Á đang phải bước vào một cuộc chơi thương mại phức tạp, nơi các quốc gia vừa cố gắng bảo vệ lợi ích xuất khẩu, vừa phải cân bằng quan hệ với các cường quốc.
Đáng chú ý hơn, vấn đề “trung chuyển” có thể trở thành điểm nóng trong quan hệ thương mại Mỹ – Đông Nam Á. Nếu Washington thực thi các điều khoản một cách cứng nhắc, các doanh nghiệp khu vực sẽ phải đối mặt với gánh nặng tuân thủ phức tạp, thậm chí rủi ro bị trừng phạt nếu vô tình rơi vào “vùng xám” của quy định.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế dựa vào gia công và trung chuyển hàng hóa sẽ chịu áp lực lớn trong việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tái cấu trúc quy trình xuất xứ hàng hóa.
Về dài hạn, các thỏa thuận thuế quan này không chỉ là câu chuyện về thuế, mà là phép thử đối với năng lực đàm phán, định vị chiến lược và khả năng duy trì cân bằng địa chính trị của Đông Nam Á. Việc đáp ứng các yêu cầu từ Washington có thể cải thiện quan hệ song phương với Mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ kích hoạt những phản ứng chính trị – kinh tế từ Trung Quốc và các đối tác khác.
Với bối cảnh đó, các nước trong khu vực có lẽ sẽ cần một chiến lược hợp lý hơn thì mới có thể hưởng lợi từ thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Điều này vừa nhằm giảm thiểu tác động trước mắt, vừa để duy trì vị thế thương mại dài hạn trong một trật tự toàn cầu ngày càng khó lường.