Trung Quốc cảnh báo nguy cơ “độc quyền AI", kêu gọi hợp tác toàn cầu
Trung Quốc sẽ dẫn đầu thành lập tổ chức quốc tế về AI để ngăn công nghệ rơi vào tay một nhóm nhỏ quốc gia hoặc doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) tổ chức tại Thượng Hải, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng như mất việc làm trên diện rộng và bất ổn kinh tế, đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau đối phó.
“Hiện nay, các nguồn lực và năng lực cốt lõi đang tập trung ở một số ít quốc gia và doanh nghiệp. Nếu để xảy ra tình trạng độc quyền công nghệ, kiểm soát và hạn chế, AI sẽ trở thành sân chơi khép kín của một nhóm nhỏ,” ông phát biểu.
AI đã nằm ở trung tâm cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc những năm qua, bao gồm các biện pháp siết chặt từ cả Bắc Kinh và Washington, như hạn chế xuất khẩu chip và nguyên liệu thô.
Tại sự kiện, Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận rằng tình trạng thiếu chip đang là "nút thắt cổ chai" trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc, nhưng khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ xây dựng chính sách nhằm vượt qua trở ngại này.
Một phần trong chiến lược đó là việc thành lập một tổ chức tạm gọi là “Tổ chức Hợp tác AI Thế giới”, nơi các quốc gia có thể cùng chia sẻ kiến thức, nhân lực và kinh nghiệm nhằm phát triển công nghệ AI một cách công bằng và toàn diện.
Trong khi Trung Quốc thúc đẩy sự hợp tác, thì Mỹ – dưới thời Tổng thống Donald Trump – đang gia tăng tốc độ phát triển AI trong nước. Tuần này, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng quy định và mở rộng nguồn năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty như OpenAI và Google tăng cường vị thế dẫn đầu của Mỹ trong kỷ nguyên hậu-ChatGPT.

Sự thành công vượt trội của mô hình AI DeepSeek đã thúc đẩy cộng đồng công nghệ Trung Quốc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm như mô hình mã nguồn mở, robot và đặc vụ AI.
Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng tính tự chủ trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.
Hội nghị WAIC 2025, ra đời từ năm 2018 để giới thiệu những bước tiến công nghệ của Trung Quốc, đã thu hút nhiều tên tuổi lớn của ngành AI toàn cầu. Trong số những nhân vật đáng chú ý có nhà khoa học đạt giải Nobel Geoffrey Hinton và cựu CEO Google Eric Schmidt. Cả hai đã có buổi gặp với Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cấn Nhĩ trước khi phát biểu tại hội nghị.
Đáng chú ý, ông Eric Schmidt cũng lên tiếng đồng tình với lời kêu gọi hợp tác của ông Lý Cường, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Là hai nền kinh tế lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc nên phối hợp cùng nhau để xử lý các vấn đề liên quan đến AI. Chúng ta có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định toàn cầu và đảm bảo công nghệ này vẫn nằm trong sự kiểm soát của con người”, ông Schmidt nhấn mạnh.
Ông Lý Cường cũng cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển AI tại các quốc gia thuộc “phương Nam" – bao gồm Brazil và nhiều nước châu Phi – như một phần trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng và chia sẻ lợi ích công nghệ với thế giới đang phát triển.