Đông Nam Á: Khu vực tiềm năng tái định hình tăng trưởng toàn cầu
Không phải mọi con đường đều dẫn qua Đông Nam Á, nhưng những con đường quan trọng nhất rất có thể sẽ bắt đầu tư khu vực này.

Trong nhiều năm, Đông Nam Á vẫn được nhắc đến như một trong những khu vực tiềm năng góp phần tái định hình tăng trưởng toàn cầu. Các lĩnh vực truyền thống, tập trung vào dân số, thương mại, diện tích, năng suất và đất đai là thế mạnh của khu vực. Nhưng nhìn về tương lai, điều đó không còn đủ để nắm bắt động lực tăng trưởng toàn cầu. Những “nguồn tài nguyên” định hình thời đại ngày nay là dữ liệu, năng lực tính toán và vốn mạo hiểm.
Với lăng kính kép này, Đông Nam Á không còn mang dáng dấp của một khu vực đang phát triển, mà trở thành nơi các tầng công nghệ giao thoa, hành vi tiêu dùng biến đổi, và các mô hình đột phá được khai sinh.
Nhu cầu toàn cầu về hạ tầng trung tâm dữ liệu phục vụ AI dự kiến tăng trưởng trung bình 33% mỗi năm từ 2023 đến 2030, với khối lượng công việc AI chiếm 70% tổng nhu cầu vào năm 2030. Trong đó, Đông Nam Á chiếm vị trí quan trọng.
Không có gì ngạc nhiên khi dòng vốn đang đổ vào Đông Nam Á một cách mạnh mẽ. Hơn 30 tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Singapore, Malaysia và Thái Lan chỉ trong nửa đầu năm 2024.
Google xây dựng trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây đầu tiên tại Malaysia với khoản đầu tư 2 tỷ USD; Microsoft cam kết 2,2 tỷ USD để tăng tốc hạ tầng AI ở khu vực này; AWS đầu tư 9 tỷ USD vào hạ tầng đám mây tại Singapore và Việt Nam đẩy mạnh chiến lược bán dẫn...
Ông Albert Chang, Chuyên gia cao cấp tại McKinsey & Company nhận định, điều này mang đến thông điệp rõ ràng rằng, các tập đoàn toàn cầu không chỉ phục vụ khu vực, mà còn phát triển hoạt động từ khu vực này.

Với hơn 660 triệu dân, hơn một nửa dưới 35 tuổi, hàng trăm ngôn ngữ, 10 đồng tiền khác nhau và những tầng văn hóa đa dạng, Đông Nam Á mang đến một thứ mà không mô hình thử nghiệm nào tái hiện được: độ phức tạp của thế giới thực.
Điều này biến khu vực Đông Nam Á thành nơi thử nghiệm lý tưởng cho các mô hình AI, hệ thống thanh toán, nền tảng tiêu dùng và cả những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
"Đây là nơi sự đa dạng thuật toán gặp biến động thị trường, và đó là ưu điểm, không phải hạn chế. Các ứng dụng fintech ở Philippines đang “nhảy cóc” qua tín dụng truyền thống. Thương mại xã hội ở Thái Lan và Việt Nam đang tái định nghĩa bán lẻ", ông Chang phân tích,
Trong khi đó, Indonesia thử nghiệm công nghệ tự động hóa trong khai thác than, dấu hiệu sớm cho thấy cách tự động hóa đang định hình lại các ngành công nghiệp truyền thống. Và các nhà vô địch kỹ thuật số nội địa như Grab, Sea và GoTo đang tạo ra những mô hình từ Đông Nam Á mà thế giới bắt đầu học hỏi.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng, theo Michael Park, phụ trách mảng Công nghệ, Truyền thông & Viễn thông toàn cầu tại McKinsey&Company, khu vực Đông Nam Á cần tham vọng lớn hơn ngay tại khu vực. Bởi vì, hiện có quá nhiều startup Đông Nam Á mải miết tìm kiếm tăng trưởng ở thị trường nước ngoài.
Ông Michael Park cho biết: "Ngay cả các nhà sáng lập và kỹ sư cũng “ra đi”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mô hình AI vĩ đại tiếp theo, ứng dụng tiêu dùng toàn cầu tiếp theo, hay kỳ lân công nghệ khí hậu tiếp theo… được ươm mầm và xây dựng ngay tại đây?"
Điều này đòi hỏi vốn mạo hiểm, khẩu vị thử nghiệm táo bạo hơn, một văn hóa tôn vinh tư duy nguyên bản hơn là kế hoạch hoàn hảo, và lãnh đạo không ngại đi trước, đi nhanh.
Trên thực tế, các chuyên gia của McKinsey đồng thuận rằng, Đông Nam Á vốn đã là tâm chấn của tinh thần khởi nghiệp, được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân năng động và các tập đoàn gia đình lâu đời sẵn sàng đặt cược lớn.
Do đó, khu vực cần khởi tạo doanh nghiệp AI bản địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại để tích hợp AI phù hợp tình hình khu vực.
Bên cạnh đó, các chính phủ Đông Nam Á cần đẩy mạnh xây dựng nền tảng mang đậm tính địa phương, từ thanh toán, truyền thông, thiết kế đến bản quyền thông qua đầu tư vào sáng tạo, thiết kế và bản quyền gốc thay vì chỉ giao hàng và mở rộng quy mô.
Ngoài ra, cần thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương để nuôi dưỡng ý tưởng đột phá thay vì chờ nhà đầu tư toàn cầu. Tất cả điều này hướng đến mục tiêu biến Đông Nam Á thành “thị trường đầu tiên”, không phải điểm mở rộng sau cùng.