Khi Trung Quốc không còn là miền đất hứa cho các hãng xe ngoại
Mitsubishi rút khỏi Trung Quốc sau gần 50 năm, phản ánh sức ép ngày càng lớn từ làn sóng xe điện nội địa và môi trường kinh doanh khép kín.
Động cơ đốt trong không còn là lợi thế
Tập đoàn Mitsubishi Motors vừa tuyên bố kết thúc mối liên doanh với công ty Shenyang Aerospace Mitsubishi, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2023, hãng đã dừng mọi hoạt động lắp ráp xe tại quốc gia này. Liên doanh Shenyang Aerospace Mitsubishi thành lập từ năm 1997 từng giữ vai trò chiến lược trong sản xuất động cơ và hệ truyền động không chỉ cho xe Mitsubishi mà còn cho nhiều hãng xe Trung Quốc.

Đầu tháng 7/2025, công ty này đổi tên thành Shenyang Guoqing Power Technology sau khi Mitsubishi thoái toàn bộ vốn. Theo hãng xe Nhật Bản, quyết định rút lui xuất phát từ tốc độ chuyển đổi "chóng mặt" của ngành ô tô Trung Quốc sang xe điện, khiến tập đoàn buộc phải đánh giá lại toàn bộ chiến lược kinh doanh tại khu vực.
Mitsubishi bắt đầu hiện diện tại Trung Quốc từ năm 1973 với hoạt động xuất khẩu xe tải. Đến đầu những năm 2000, các liên doanh cho phép hãng cung cấp hệ truyền động cho khoảng 30% xe nội địa tại thời điểm đó. Tuy nhiên, bước sang thập kỷ 2020, thị trường này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng xe điện bản địa như BYD, cùng với sự hiện diện ngày càng lớn của Tesla, khiến những mẫu xe dùng động cơ đốt trong vốn là thế mạnh của Mitsubishi dần thất thế.
Liên doanh GAC Mitsubishi từng là điểm sáng trong chiến lược của hãng với doanh số hơn 144.000 xe vào năm 2018, riêng mẫu Outlander chiếm tới 105.600 xe. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, doanh số lao dốc chỉ còn 33.600 xe vào năm 2022. Tình hình tài chính của GAC Mitsubishi ngày càng xấu đi, với tổng nợ vượt tổng tài sản. Cuối năm 2023, Mitsubishi tuyên bố ngừng sản xuất và chuyển nhà máy lại cho đối tác GAC, đơn vị sau đó sử dụng cơ sở này để sản xuất xe điện thương hiệu Aion.
Áp lực sinh tồn tại Trung Quốc
Việc Mitsubishi rút lui phản ánh xu hướng khó đảo ngược tại Trung Quốc - nơi các hãng xe nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện, đang chiếm ưu thế áp đảo. Nhiều liên doanh giữa các hãng quốc tế và doanh nghiệp bản địa đã hoặc đang đứng trước nguy cơ tan rã, bị tái cấu trúc hoặc thay thế bởi các mô hình kinh doanh mới.
Đối mặt với làn sóng điện hóa nhanh chóng, các tập đoàn ô tô nước ngoài buộc phải thay đổi chiến lược. Nissan là một ví dụ khi công bố kế hoạch sử dụng nhà máy tại Trung Quốc để sản xuất xe điện xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và các thị trường khác từ năm 2026. Đây là một nỗ lực nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất sẵn có trong bối cảnh thị trường nội địa Trung Quốc ngày càng khép kín và khó tiếp cận.

Dù Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về sản lượng và tiêu thụ xe điện, môi trường kinh doanh ở đây đang trở nên kém thân thiện hơn với doanh nghiệp ngoại quốc. Cạnh tranh không chỉ đến từ công nghệ mà còn từ các chính sách thiên lệch, ưu đãi có chọn lọc dành cho hãng nội địa và những rào cản vô hình làm khó các thương hiệu quốc tế.
Mô hình liên doanh từng là yêu cầu bắt buộc để vào thị trường Trung Quốc giờ đây trở thành bất lợi, khi các đối tác bản địa ngày càng làm chủ công nghệ, mạng lưới và thị phần. Các hãng nước ngoài dễ bị thay thế hoặc thậm chí bị hấp thụ. Nhiều thương hiệu quốc tế vì vậy đang chuyển trọng tâm đầu tư sang các khu vực như Đông Nam Á, Ấn Độ hay Trung Đông - nơi có tiềm năng tăng trưởng và cạnh tranh bình đẳng hơn.
Trường hợp của Mitsubishi không chỉ đơn thuần là một thất bại kinh doanh, mà còn là lời cảnh báo cho các tập đoàn quốc tế: thành công tại Trung Quốc không còn dựa trên chất lượng sản phẩm hay thương hiệu, mà phụ thuộc vào khả năng thích nghi với một thị trường đang “đóng cửa theo kiểu mới” - nơi mà cán cân đang nghiêng hoàn toàn về phía các lực lượng nội địa.