VPBank vươn tầm quốc tế với giải thưởng danh giá về quản trị doanh nghiệp
Là một trong 5 doanh nghiệp Việt Nam có điểm số ACGS cao nhất năm 2024, VPBank được vinh danh tại Hội nghị và Lễ trao giải Quản trị Doanh nghiệp ASEAN...
Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bỉ của VPBank trong thực hành quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, đồng thời khẳng định bước tiến mạnh mẽ của ngân hàng trên hành trình vươn tầm khu vực và thế giới.
Dấu ấn vươn tầm quốc tế trong quản trị doanh nghiệp
Ngày 24/7 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) được vinh danh trong Top 5 doanh nghiệp có đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) cao nhất Việt Nam năm 2024.
Giải thưởng danh giá là sự ghi nhận quốc tế đối với những nỗ lực bền bỉ của VPBank trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và áp dụng các chuẩn mực quản trị cao, qua đó góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư và lan tỏa thông lệ tốt trong toàn khu vực. Thành tựu cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình nâng tầm vị thế của ngân hàng tại khu vực Đông Nam Á, khẳng định vai trò tiên phong trong thực thi quản trị hiện đại và phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc thường trực và Giám đốc Điều hành cao cấp VPBank, nhận giải thưởng Top 5 doanh nghiệp có đánh giá ACGS cao nhất Việt Nam năm 2024.
Giải thưởng được công bố tại Lễ Trao giải Quản trị doanh nghiệp ASEAN (ASEAN Corporate Governance Awards Ceremony), với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Datuk Seri Utama Zafrul Tengku Abdul Aziz, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Malaysia, ông Dato' Mohammad Faiz Azmi, đại diện Ủy ban Chứng khoán các nước Đông Nam Á, cùng lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu vực.
Các doanh nghiệp nhận giải được đánh giá dựa trên công cụ Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ASEAN Corporate Governance Scorecard - ACGS), sáng kiến do Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ASEAN Capital Markets Forum - ACMF) khởi xướng từ năm 2011, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
ACGS được xây dựng nhằm đánh giá thực hành quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết, nâng cao chuẩn mực quản trị, tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy lòng tin của nhà đầu tư thuộc 6 quốc gia thành viên ASEAN. Các doanh nghiệp được xếp hạng dựa trên thông tin công khai như: Báo cáo thường niên, website công ty, chính sách quản trị, báo cáo phát triển bền vững, điều lệ và biên bản họp… Qua nhiều năm triển khai, ACGS góp phần định hình văn hóa quản trị doanh nghiệp tại ASEAN, khuyến khích thông lệ tốt nhất, thúc đẩy minh bạch thông tin, trách nhiệm của Hội đồng Quản trị, quyền lợi cổ đông và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, VPBank là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng tiêu chuẩn quản trị chuyên nghiệp theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Nhờ đó, ngân hàng ghi nhận điểm số ACGS vượt trội hơn so với mặt bằng chung trong nước và tiệm cận khu vực.
Trước đó, vào đầu tháng 6, trong khuôn khổ Hội thảo “Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội nào cho các Doanh nghiệp Niêm yết và Công ty Đại chúng?”, tổ chức tại Hà Nội, VPBank cũng được xướng tên là 1 trong 5 doanh nghiệp có kết quả đánh giá ACGS cao nhất năm 2024.
Nền tảng quản trị vững chắc - bệ phóng cho mục tiêu tham vọng của VPBank
VPBank được vinh danh Lễ Trao giải Quản trị doanh nghiệp ASEAN đến đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển (28/7/2000 – 28/7/2025), dấu mốc quan trọng trong hành trình chuyển mình và hội nhập sâu rộng. Sự kiện này càng thêm ý nghĩa khi kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, hứa hẹn thúc đẩy sự minh bạch, công bằng, hiệu quả và thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, tạo xung lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp niêm yết tiến xa.
Trong bối cảnh ấy, việc tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững đang trở thành bệ phóng giúp VPBank hiện thực hóa tham vọng vươn tầm: Trở thành ngân hàng có vị trí vững chắc trong top 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và quy mô thuộc top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Tại VPBank, quản trị công ty đã vượt qua yêu cầu tuân thủ pháp lý, trở thành một nền tảng chiến lược bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Ngân hàng đã chủ động xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch, vận hành theo định hướng “Vượt trên tuân thủ”, trong đó mọi quyết định đều đặt trên nguyên tắc thận trọng, chính trực và hài hòa lợi ích giữa cổ đông, các bên liên quan và cộng đồng.
Cùng với công cụ ACGS, VPBank cũng áp dụng bộ nguyên tắc quản trị theo thông lệ tốt do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành. Song song, ngân hàng tích hợp các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) cũng như 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào chiến lược hoạt động.
Mới đây, VPBank lần đầu phát hành Báo cáo Phát triển Bền vững độc lập, được xây dựng theo bộ tiêu chuẩn GRI Standards phiên bản mới nhất do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Toàn cầu (GSSB) công bố. Báo cáo này đã được giới đầu tư đánh giá cao, trong đó, Dragon Capital - một trong những quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam - xếp hạng hoạt động E&S của VPBank ở mức “Excellent” (Tuyệt vời) nhờ nhiều dữ liệu hữu ích và công bố thông tin về ESG đầy đủ.
Không chỉ đi đầu trong quản trị và phát triển bền vững, VPBank còn đặc biệt chú trọng đến lợi ích của nhà đầu tư. Ngân hàng duy trì hoạt động kết nối thường xuyên, minh bạch với cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua chuỗi sự kiện công bố kết quả kinh doanh, hội nghị nhà đầu tư, diễn đàn quốc tế... Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ghi nhận số lượng kỷ lục cổ đông tham dự, trở thành minh chứng sống động cho niềm tin và kỳ vọng lớn lao của thị trường.
Với nền tảng, uy tín vững chắc đã xây dựng, VPBank đã huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế kỷ lục trị giá 1,56 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm từ các định chế tài chính hàng đầu.
Trên hành trình phát triển, VPBank luôn đề cao trách nhiệm với cổ đông bằng các hành động thiết thực. Quý II vừa qua, ngân hàng chi trả gần 4.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt, cho thấy nền tảng tài chính vững chắc, sự trân trọng và cam kết các quyền lợi dài hạn cho cổ đông. Trong ba năm, tổng giá trị cổ tức tiền mặt mà VPBank chi trả đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Có thể nói, những nỗ lực và thành tích trên thể hiện tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển bền vững mà VPBank đang theo đuổi, khẳng định tuyên bố sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.