Phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu thị trường vốn, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính của Quốc hội, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỉ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020. Đây cũng là năm áp dụng các quy định mới nhất về trái phiếu doanh nghiệp cụ thể là Nghị định 153/2020 /NQ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Do đó, 2021 cũng là năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; trong đó, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu chiếm 42% tổng giá trị phát hành; nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8%, tăng 36,2% so với năm 2020.Sự tăng trưởng “nóng" của  thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi kèm là những rủi ro nhất định. Trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu của một Tập đoàn đã hé lộ những lỗ hổng và rủi ro có thể xuất hiện trên thị trường.

Ngày 11/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 311/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp với yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch. Trước đó 4 ngày, trong Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất, vấn đề kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được chỉ đạo quyết liệt.

Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Dự thảo Sửa đổi Nghị định 153 lần thứ 5 được lấy ý kiến thị trường để hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước những biện pháp, cảnh báo và cả dự báo về các rủi ro cùng các khả năng pháp lý quy định mới, đặt ra yêu cầu mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả phía chủ thể phát hành và cả phía nhà đầu tư, doanh nghiệp, giới chuyên môn đều lo lắng về các chính sách có thể siết quá chặt, cào bằng, gây khó cho doanh nghiệp và hệ lụy cho doanh nghiệp. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, phát triển, doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi vì thiếu đi một kênh huy động vốn quan trọng. Việc bảo vệ nhà đầu tư là chính đáng, nhưng đồng thời cũng có thể khiến nhà đầu tư mất cơ hội đầu tư và khiến thị trường vốn Việt Nam chậm lại.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn:

“PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG”

Thời gian: 13h30 – 17h00, Thứ Năm ngày 19/05/2022

Địa điểm: Hội trường tầng 7 VCCI, 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

Chương trình được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử https://diendandoanhnghiep.vn/Fanpage Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệphttps://vcci-hoidonghoptac.workplace.com/

Chi tiết xin liên hệ:

Nhà báo Nguyễn Hương, ĐT: 0904300337, email: nguyenhuong@dddn.com.vn

Nhà báo Hoàng Oanh, ĐT: 0913022384, email: hoangoanhvcci@yahoo.com