Đức chấm dứt sự im lặng của mình về tương lai Euro zone

Đức chấm dứt sự im lặng của mình về tương lai Eurozone.

Mới đây, bà Merkel đã đưa ra tầm nhìn của mình về tương lai của Quỹ cứu trợ Eurozone - Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - và ngân sách đầu tư để hỗ trợ các nước thành viên Eurozone. 

Những bình luận của bà Merkel được đưa ra trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), nơi nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, muốn thông qua các chính sách cụ thể để cải thiện tình hình hiện nay của Eurozone. 

Bà Merkel muốn ESM, hiện đang chịu trách nhiệm về việc tài trợ cho các nước có nền kinh tế mong manh, tập trung vào việc tăng cường kỷ luật ngân sách của Eurozone. Theo đó, ESM sẽ giám sát từng quốc gia trong Eurozone để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy tắc tài chính.

Theo bà Merkel, trong tương lai ESM nên cung cấp các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, các khoản vay dài hạn chỉ nên được cấp khi toàn bộ khu vực Eurozone gặp rủi ro và trên cơ sở cải cách sâu rộng nước đi vay. Còn khoản cho vay ngắn hạn chỉ nên được cấp cho các nước chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế hoặc từ các yếu tố bên ngoài...

Về ngân sách đầu tư khu vực Eurozone, đề xuất của bà Merkel dường như ít tham vọng hơn so với một ý tưởng được đưa ra bởi ông Emmanuel Macron, người muốn ESM có thể cung cấp các gói kích thích tài chính để đối phó với những cú sốc kinh tế.

Mặt khác, bà Merkel muốn ngân sách đầu tư của Eurozone được sử dụng để hỗ trợ sáng tạo và phát triển công nghệ. Cơ chế này sẽ được giám sát bởi các nghị viện của các nước thành viên Eurozone.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát chính trị ở châu Âu đã chỉ trích bà Merkel vì không đưa ra những quan điểm rõ ràng về cải cách trong khu vực.

"Paris và Berlin vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm. Những đề xuất của bà Merkel vẫn chưa đạt tới điều mà hầu hết các nhà kinh tế cho là cần thiết để làm cho khu vực Eurozone mạnh mẽ hơn", ông Constantine Fraser, chuyên gia phân tích châu Âu tại TS Lombard cho biết và đánh giá rằng, tầm nhìn của bà Merkel đối với ngân sách đầu tư của Eurozone nhỏ đến mức không đáng kể về mặt kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, ông Holger Schmieding, một chuyên kinh tế tại Berenberg, cho biết mặc dù Paris ca ngợi ý kiến của bà Merkel là một bước tiến quan trọng tới gần đề xuất mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trước đó, nhưng bà Merkel đã không có một bước đột phá nào.