Được biết, dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Dự án dài 2,97km, đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80Km/h.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Đồng Tháp với TP Cần Thơ đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Đồng Tháp với TP Cần Thơ đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL

Cầu Vàm Cống là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, là niềm ước mơ của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bức xúc của nhân dân trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh của cả khu vực.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cầu Vàm Cống được khởi công từ ngày 10/9/2013, trong quá trình thi công, dù gặp phải một số điều kiện không thuận lợi. Những ngày qua, sự nỗ lực khắc phục từ phía các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như sự trợ giúp nhiệt tình từ các nhà tài trợ và địa phương để đẩy nhanh các hạng mục sớm hoàn thành các công đoạn cuối cùng tại dự án cầu Vàm Cống.

Theo đó, đến nay dự án đã hoàn thành và được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng đánh giá và kết luận công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.

Hiện, Bộ GTVT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 19/5 tới. Đây sẽ là một trong những cầu lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn đầu cầu vào khai thác sử dụng, kết hợp với dự án thành phần 1 (cầu Cao Lãnh) và dự án thành phần 2 (tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống) sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực phát triển KT-XH khu vực ĐBSCL, đồng thời đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.