Nhiều chủ phương tiện phản đối trạm T2 vì cho rằng đặt sai vị trí.

Nhiều chủ phương tiện phản đối trạm T2 vì cho rằng đặt sai vị trí.

Tại Công văn 790, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: "trong quá trình lập dự án đầu tư dự án BOT quốc lộ 91, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn lập dự án nghiên cứu các phương án trạm thu giá hoàn vốn cho dự án (có xét đến các tuyến lân cận như: tuyến tránh Long Xuyên, Tuyến lộ Tẻ - Rạch Sỏi, khu vực Cầu Vàm Cống khi nghiên cứu không có trạm thu giá trên tuyến nghĩa là không có trạm T2)".  

Văn bản trên cũng khẳng định: "Đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ có Văn bản số 153/ĐĐBQH ngày 15/9/2014, HĐND TP Cần Thơ có Văn bản số 465/HĐND-TT ngày 16/9/2014, Thành ủy Cần Thơ có Văn bản số 1453-CV/TU ngày 17/9/2014, UBND TP Cần Thơ có Văn bản số 744/UBND-XDĐT ngày 13/02/2015 về việc thống nhất đặt hai trạm thu giá hoàn vốn dự án (Trạm T1 tại km 16+905,83 và trạm T2 tại km 50+050)". Trên cơ sở đó Bộ Tài chính lập trạm thu phí tại vị trí do địa phương đề xuất.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang chia sẻ với Bộ và nhà đầu tư vì việc triển khai dự án tuân thủ đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Nếu di dời trạm T2 thì lưu lượng phương tiện qua trạm thấp hơn so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, việc di dời trạm cũng tốn thêm chi phí xây trạm thu phí mới, phương án tài chính không đảm bảo, thời gian thu phí kéo dài, phía ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý.

Do vậy, trường hợp di dời trạm có thể Nhà nước phải mua lại dự án BOT này nhưng điều này khó thực hiện vì ngân sách hạn hẹp và không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang "phối hợp với Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cập nhật dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên vào danh mục đầu tư công trung hạn 2016-2020 làm cơ sở phê duyệt và triển khai dự án. Khi tuyến đường tránh này hoàn thành thì phương tiện tham gia giao thông có sự lựa chọn không phải qua trạm thu giá T2 trên QL91".