Mô phỏng vệ tinh ClearSpace-1 làm nhiệm vụ - Ảnh: CLEARSPACE

Mô phỏng vệ tinh ClearSpace-1 làm nhiệm vụ - Ảnh: CLEARSPACE

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA có trụ sở tại Paris) đã ký kết với Công ty khởi nghiệp ClearSpace của Thụy Sĩ hợp đồng dịch vụ trị giá 100 triệu euro nhằm thu dọn mảnh vỡ không gian, mở ra một thị trường mới về xử lý ô nhiễm trên quỹ đạo Trái đất.

Theo tạp chí Science et Avenir (Pháp), đây là thương vụ đầu tiên trên thế giới liên quan đến công việc dọn rác trên quỹ đạo tầm thấp.

Trao đổi với AFP, ông Eric Morel de Westgayer - giám đốc phụ trách công nghiệp và mua sắm của ESA, ghi nhận: "Chưa bao giờ chúng tôi giao một hợp đồng lớn như vậy cho một công ty khởi nghiệp nhỏ".

ClearSpace là công ty có gốc gác từ Đại học Bách khoa liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne. Công ty này hoạt động với vốn góp của khoảng 20 công ty từ 8 quốc gia thành viên ESA gồm Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Đức, Anh, Ba Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Romania.

Theo hợp đồng, năm 2025 Công ty ClearSpace sẽ đưa vệ tinh dọn rác ClearSpace-1 nặng 500 kg lên không gian để thu hồi một mảnh vỡ là tầng trên tên lửa Vega của ESA được phóng đi từ năm 2013. 

Mảnh vỡ lớn như chiếc máy giặt, nặng 112 kg, bay trên quỹ đạo thấp cách Trái đất 800 km. Vệ tinh dọn rác sẽ quan sát mảnh vỡ để xác định tốc độ, sau đó đưa 4 cánh tay máy chộp lấy và dìu mảnh vỡ ra khỏi quỹ đạo. Cuối cùng vệ tinh và mảnh vỡ cùng phân rã trong khí quyển.

Tên lửa đẩy Vega của ESA - Ảnh: ESA

Tên lửa đẩy Vega của ESA - Ảnh: ESA

Trong gần 60 năm hoạt động không gian với hơn 5.500 lượt phóng, hiện có khoảng 42.000 vật thể lớn hơn 10 cm quay quanh Trái đất tạo thành đám mây chất thải.

Rác vũ trụ đủ loại, từ tên lửa phóng cũ, các mảnh vệ tinh còn trên quỹ đạo sau khi nổ cho đến vệ tinh nguyên vẹn không còn hoạt động nữa.

Các mảnh vỡ bay với vận tốc tối đa 28.000 km/h có nguy cơ va chạm với các vệ tinh đang hoạt động.